Quỹ Phòng xa Trung ương Singapore
Quỹ Phòng xa Trung ương Singapore (Central Provident Fund- CPF) là hệ thống ASXH dành cho tất cả công dân và NLĐ thường trú tại Singapore. Đây là một trong những chương trình hưu trí dựa trên mức đóng lâu đời nhất của châu Á.
CPF được thành lập vào năm 1995 nhằm cung cấp sự bảo đảm về tài chính cho công nhân khi họ nghỉ hưu hoặc không thể tiếp tục làm việc. Trải qua thời gian, quỹ đã trở thành một hệ thống BHXH- tiết kiệm toàn diện.
CPF là một quỹ BHXH tiết kiệm với sự tham gia của NLĐ, chủ SDLĐ và Chính phủ. Thành viên của CPF bao gồm cả NLĐ được tuyển dụng và lao động tự tạo việc làm tại Singapore.
Mục tiêu căn bản của CPF là đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cho các thành viên như chỗ ở tạm thời, thức ăn, quần áo và các dịch vụ về sức khỏe khi họ về già hoặc các nhu cầu khác khi họ không còn khả năng làm việc. Các chế độ có thể bao gồm việc rút tiền trong các trường hợp nghỉ hưu, tàn tật vĩnh viễn, sở hữu nhà ở và chăm sóc y tế. Số tiền mà các thành viên có thể được hưởng thụ phụ thuộc vào mức độ đóng góp vào quỹ của họ.
Nhà tuyển dụng, chủ DN có khoảng thời gian 14 ngày kể từ ngày trả lương để tiến hành các nghĩa vụ đóng góp vào CPF. Nếu ngày thứ 14 rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, đóng góp CPF bắt buộc phải được hoàn thành vào ngày làm việc tiếp theo.
Trải qua 27 năm, CPF đã phát triển từ một chương trình tiết kiệm quốc gia bắt buộc đơn giản, thành một chương trình tiết kiệm ASXH quốc gia toàn diện, không chỉ cung cấp các chế độ hưu trí, mà còn cung cấp các chế độ về nhà ở và nhu cầu thiết yếu về chăm sóc sức khỏe cho người dân; sự bảo đảm tài chính cho các thành viên và gia đình của họ thông qua các chương trình bảo hiểm.
Chìa khóa để điều hành thành công hệ thống CPF chính là nhờ hệ thống thu năng suất và hiệu quả. Các khoản tiền, trợ cấp phụ cấp bắt buộc phải đóng CPF bao gồm: Tiền thưởng làm việc hiệu quả và đi làm thường xuyên; Tiền thưởng cho nhân viên khi kết thúc năm tài chính; Tiền hoa hồng; Tiền thưởng cho nhân viên dựa trên phần trăm doanh thu đạt được; Phụ cấp phí sinh hoạt; Phụ cấp phí công tác; Phụ cấp thêm tiền học cho con của NLĐ; Phụ cấp làm ngoài giờ, làm ban đêm, ngày lễ; Tiền thưởng cho nhân viên dịp lễ; Phụ cấp tiền điện thoại; Phụ cấp cho nhân viên đi du lịch; Phụ cấp tiền ăn…
Hệ thống thu giúp CPF thu các khoản đóng góp chính xác và đúng thời hạn, đồng thời gửi các khoản đóng góp CPF vào các tài khoản cá nhân của các thành viên CPF. Tháng 7/2009, hệ thống thu của CPF đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Hiện nay, có khoảng 115.000 chủ SDLĐ đang nộp bản chi tiết các khoản đóng góp vào CPF với tổng số thu hằng tháng khoảng 1,61 tỷ USD và thanh toán cho khoảng 1,72 triệu lao động hằng tháng.
Hội đồng CPF có khung pháp lý chặt chẽ, nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả quy trình thu. Chính vì thế, đã đảm bảo tỷ lệ nợ đọng của các chủ sử dụng lao động luôn giữ ở mức rất thấp (khoảng 0,51%). Đồng thời, CPF cũng tiến hành các đợt điều tra, khảo sát để phát hiện những DN chậm nộp hoặc nộp không đúng vào quỹ. Việc điều tra sẽ được tiến hành qua đường Bưu điện và trực tiếp đến từng doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tỉ lệ nợ cao.
Trong quá trình xử lý DN vi phạm, CPF luôn khuyến khích các DN tự giác sửa sai và chỉ khởi tố các DN cố tình chây ỳ việc thanh toán nợ. Trong các hình thức điều tra, thì điều tra trực tiếp đến các doanh nghiệp được coi là hiệu quả nhất và hay được CPF áp dụng nhất. Ngoài ra, CPF còn liên hệ với các cơ quan khác lấy thông tin về DN để phát hiện việc chậm đóng… Năm 2014, CPF đã thu hồi từ các chủ SDLĐ 378,2 triệu đô-la Singapore (tương đương khoảng 280,5 triệu USD) bao gồm đóng thiếu, không đóng và chậm đóng, bảo vệ quyền lợi cho trên 288.000 NLĐ.
Trong tổng số tiền thu hồi được nói trên có 14 triệu đô-la Singapore là thu các trường hợp đóng thiếu và không đóng từ khoảng 2.000 chủ SDLĐ trong các ngành nghề như an ninh, vệ sinh và dịch vụ ăn uống. Điều này đã làm lợi cho trên 9.300 NLĐ. Số còn lại, 364,2 đô-la Singapore là thu từ các chủ SDLĐ chậm đóng cho CPF khoản phí hàng tháng trong năm 2014.
Một trong những khoản nợ lớn nhất mà CPF đã thu hồi trong năm 2014 là nhờ đơn khiếu nại của 11 NLĐ từ một công ty dịch vụ làm đẹp. Họ đã tiếp cận Hội đồng CPF từ năm 2012 đến 2013 để báo cáo rằng chủ SDLĐ của họ chưa nộp đầy đủ các khoản đóng góp CPF hàng tháng cho họ. Sau khi điều tra, Hội đồng CPF phát hiện ra việc đóng thiếu của chủ SDLĐ này là phần đóng góp trên hoa hồng. Chủ SDLĐ đã khấu trừ phần đóng góp của họ cho CPF theo mức lương cơ bản vào phần tiền hoa hồng của nhân viên. Việc thu hồi hơn 770.000 đô-la Singapore của CPF đã làm lợi cho 100 NLĐ trong công ty. Ngoài ra, chủ SDLĐ cũng hoàn lại hơn 50.000 đô-la cho NLĐ động khoản hoa hồng đã bị khấu trừ.
Từ 1/1/2014, các hình phạt chung cho các trường hợp không tuân thủ Luật CPF được nâng lên. Người lần đầu vi phạm có thể bị phạt lên đến 5.000 đô-la và/hoặc bị bỏ tù tới 6 tháng. Người phạm tội lần tiếp theo có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 10.000 đô-la và/hoặc phạt tù lên đến 12 tháng. Có 46 trường hợp vị kết án do không nộp và nộp không đủ các khoán đóng góp CPF cho người lao động và 223 trường hợp do chậm nộp. Tất cả các trường hợp đều do Tòa án Nhà nước thụ lý và xét xử. Danh sách các trường hợp bị kết án trong năm 2014 được công khai trên website của CPF.
Ngoài ra, CPF cũng khuyến cáo chủ SDLĐ và NLĐ thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình thông qua website của CPF để đảm bảo rằng chủ SDLĐ thực hiện đúng nghĩa vụ đóng góp cho CPF, đồng thời cung cấp cho NLĐ các kênh thông tin thuận tiện như đường dây nóng và địa chỉ thư điện tử để NLĐ dễ dàng liên hệ với nhân viên CPF cũng như đảm bảo tính bí mật cho các thông tin được cung cấp.
Đáng chý ý, từ tháng 1/2021, CPF Singapore thực hiện Chương trình Hỗ trợ đóng cho các thành viên trong độ tuổi từ 55 đến 70 có số tiền trong tài khoản tiết kiệm hưu trí thấp hơn mức hưu trí cơ bản (hiện nay là 93.000 đô-la Singapore, tương đương 69.800 đô-la Mỹ), có thu nhập trung bình hằng tháng không quá 4.000 đô-la Singapore, tương đương 3.003 đô la Mỹ và đáp ứng một số quy định về sở hữu tài sản khác.
Theo đó, Trong thời gian từ năm 2021- 2025, khi các thành viên đang tham gia với CPF đủ điều kiện sẽ được Nhà nước bổ sung thêm một khoản tiền vào tài khoản cá nhân của người đó (không quá 600 đô- la Singapore, tương đương 450,56 đô- la Mỹ mỗi năm) theo cơ chế một-một. Tại Singapore ai cũng có thể đóng góp thêm vào tài khoản hưu trí bao gồm cả người đang tham gia vào quỹ, người thân trong gia đình hoặc chủ SDLĐ của họ. Khoản tiền được đóng thêm này không có phần bổ sung tương ứng từ Chính phủ và mức được đóng thêm tùy thuộc số tiền đã có trong tài khoản và tuổi của người nhận. Để khuyến khích việc chuyển tiền bổ sung vào tài khoản hưu trí, Chính phủ có chính sách miễn giảm thuế cho các khoản đóng góp lên tới 7.000 đô-la Singapore, tương đương 5.257 đô-la Mỹ. Theo thống kê của Chính phủ, khoảng 440.000 thành viên CPF chiếm 53% tổng số thành viên trong độ tuổi từ 55 đến 70 đủ điều kiện tham gia chương trình này.
Thủy Hà