Print

Đang khỏe mạnh lại thiệt mạng vì làm đẹp, chuyện đau lòng sao mãi tồn tại?

Thứ Tư, 23 /03/2022 14:16

Y học định nghĩa bệnh mạn tính là một tình trạng kéo dài trong một thời gian rất dài và thường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Với định nghĩa này, phải chăng mất mạng vì làm đẹp đang trở thành... “bệnh mạn tính”?

Mấy ngày gần đây, dư luận ở TP.HCM xôn xao chuyện một phụ nữ 35 tuổi thiệt mạng vì phẫu thuật nâng ngực ở BV 1A (Tân Bình, TP.HCM). Nạn nhân được người chị giới thiệu bác sĩ thẩm mỹ tên Thiết, người có phòng khám riêng về làm đẹp. Sau khi thỏa thuận, nạn nhân được BS.Thiết đưa tới BV 1A, nơi có đủ thiết bị và cũng là “mối” cung ứng hạ tầng mổ xẻ cho BS.Thiết lâu nay, để thực hiện cuộc giải phẫu nâng ngực.

Nơi một nạn nhân thiệt mạng vì nâng ngực

Dư luận trở nên xôn xao hơn khi gia đình nạn nhân mô tả quá trình tiếp cận thi thể. Theo đó, thấy người thân vào phòng mổ lâu quá chưa ra, gia đình hỏi thăm thì phía BV cứ bảo từ từ. Sốt ruột hơn, gia đình đề nghị được vào thăm, thì phía BV không đồng ý. Hết chịu nổi, gia đình tự đi tìm thì thấy nạn nhân nằm trên giường bệnh một mình, đã tắt thở. Biến cố đau thương này đã khiến Sở Y tế và Công an TP.HCM vội vào cuộc. Hiện vụ việc vẫn còn đang trong vòng điều tra.

Trong hoạt động KCB, một số tình huống cấp cứu và điều trị cần bác sĩ quyết định trong tích tắc để cứu mạng bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân bị ngạt chưa rõ lý do cần tạo đường thở, chậm 5 giây là tử vong, bác sĩ chỉ đủ thời gian cầm bút chọc một lỗ nơi cuống họng để tạo đường thở, chớ đâu kịp dùng dụng cụ y khoa. Cứu người trước đã, rủi ro nhiễm trùng xử lý sau. Trong tích tắc ấy, bác sĩ mà làm theo quy trình thì bệnh nhân mất mạng, còn cứu người theo quán tính thì sai quy trình. Đây là tình huống minh họa dễ hiểu nhất cho câu nói “theo nghề y là phải hy sinh”. Hy sinh của thầy thuốc là danh tiếng, là sự nghiệp, bởi đâu ai dám chắc cú chọc cuống họng kia 100% cứu được bệnh nhân, mà nếu không chọc thì 100% tử vong.

Đề cập vấn đề này để thấy, cứu người bệnh, người sắp chết mà cứu không kịp thì bác sĩ còn “lên bờ xuống ruộng” với dư luận, huống hồ khiến một người đang khỏe mạnh bình thường, chỉ vì muốn đẹp hơn một chút, phải mất mạng vì bác sĩ phẫu thuật tắc trách. Nói bác sĩ tắc trách là vì, trong một chia sẻ gần đây, PGS-BS.Lê Hành- Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM đã nói thẳng với các đồng nghiệp trẻ, đại ý là đâu ai kê súng vô đầu bắt mình phải mổ. Do đó, phải triệt để tuân thủ quy trình từ khám sàng lọc để hiểu đầy đủ nhất thể trạng người muốn làm đẹp. Từ đó mới nắm rõ các nguy cơ có thể xảy ra mà lường trước các phương án xử trí. Đồng thời, phải tư vấn cho người muốn làm đẹp mức độ can thiệp phù hợp nhất với thể trạng. Theo BS.Lê Hành, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chớ đâu phải robot được lập trình mà người làm đẹp cứ xòe tiền rồi nói muốn mổ cái này, muốn mổ cái kia... là cứ thế làm theo.

"Người lật đật" nay đã trở về cuộc sống bình thường nhờ bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ

Từng có rất nhiều tranh cãi rằng, đối diện với bác sĩ thẩm mỹ ai cũng là bệnh nhân và cũng có ý kiến khác thì nói chỉ là khách hàng. Trên thực tế, đối diện với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có khi là bệnh nhân, như trường hợp TS-BS.Phan Minh Hoàng, hồi còn làm ở BV Lê Văn Thịnh (nay là Giám đốc BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp) từng cứu “người lật đật” ở Đắk Nông. Trong một vụ hỏa hoạn, thanh niên này bị bỏng toàn thân, tay chân co rút, da dính vào nhau, chỉ có thể ngồi nên thời điểm đó báo chí đặt là “người lật đật”. Đây là một bệnh nhân và BS.Hoàng đã tỉ mẩn xử lý từng đường dao, để trong nửa năm trời trả lại hình dáng trước đó, nên giờ đây “người lật đật” đã tự leo cây hái trái, nuôi sống gia đình.

Nhưng trong tình huống của BS.Thiết, đối mặt là nạn nhân 35 tuổi, người có thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ khiếm khuyết về ngực theo cách nghĩ, cách nhìn của bản thân, nên muốn thay đổi. Vậy, trong tình huống này, gọi nạn nhân là bệnh nhân liệu có hợp lý, hay gọi nạn nhân là khách hàng của BS.Thiết thì hợp lý hơn? Và, khiến khách hàng mất mạng, nếu không gọi là tắc trách thì phải gọi là gì?

Trở lại câu hỏi phải chăng mất mạng vì làm đẹp đang trở thành “bệnh mạn tính”? Thời gian qua, chỉ riêng ở TP.HCM, số người mất mạng vì làm đẹp đã vượt quá cách đếm bằng đầu ngón tay chỉ trong thời gian ngắn. Sau những ồn ào từ báo chí, từ cơ sở làm đẹp, từ bác sĩ trực tiếp phẫu thuật, từ cơ quan quản lý nhà nước về y tế và cả gia đình nạn nhân, mọi việc đâu lại vào đấy. Cứ vài ba tháng lại có thêm nạn nhân tử vong vì làm đẹp. Rõ là, mất mạng vì làm đẹp đang trở thành “bệnh mạn tính”.

Có 4 bên liên quan đến căn bệnh này: Người muốn làm đẹp, bác sĩ thẩm mỹ, BV và cơ quan quản lý nhà nước về y tế. Nhu cầu làm đẹp là vô bờ bến, có tiền ít thì làm chỗ "í ẹ", có tiền nhiều thì làm chỗ xịn sò, nên xin không đề cập đến người muốn làm đẹp. Để tìm “thuốc trị bệnh mạn tính” này, chỉ xin được đề cập đến bác sĩ thẩm mỹ, BV và cơ quan quản lý nhà nước về y tế. Về bác sĩ thẩm mỹ, xin được mượn lời PGS.Lê Hành chia sẻ rất thực tế rằng, cứ kỹ lưỡng hết mức để trước là bảo vệ người, sau là bảo vệ mình, quan trọng nhất là cân bằng giữa năng lực chuyên môn và nhu cầu vật chất, danh vọng của bản thân. Về BV, hiện có không ít đơn vị cung ứng "hạ tầng mổ xẻ", còn các bác sĩ chỉ có phòng khám thẩm mỹ- hệt như trường hợp BS.Thiết và BV 1A. Vì vậy, mong sao các BV này cân nhắc, đừng vì thu nhập thêm của BV mà “trao quyền sinh sát” cho người không thuộc biên chế, tức không nắm rõ thực chất, thực lực mà chỉ biết qua bằng cấp, hồ sơ...

Còn về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, mong sao sớm chấn chỉnh tình trạng “mổ dạo” như cách mà BS.Thiết đã làm (vị bác sĩ này biên chế BV 30/4). Trải qua nhiều vụ việc mất mạng vì làm đẹp, không chỉ ở địa bàn TP.HCM, mà nhiều tỉnh, thành khác trong suốt thời gian qua, vấn đề quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ chưa thấy có gì thay đổi. Có lẽ, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chuyện mất mạng vì làm đẹp trở thành “bệnh mạn tính”.

Trao đổi với báo chí sau những vụ việc thiệt mạng vì làm đẹp, phía cơ quan quản lý nhà nước về y tế đều dẫn hàng loạt quy định hiện hành để minh họa “đương sự” cái gì cũng đúng quy định (có chứng chỉ hành nghề, có đăng ký, có tuân thủ quy trình...). Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là, tại sao cái gì cũng đúng nhưng lại thiệt mạng? Và, nếu quy định, quy trình đúng mà vẫn khiến người muốn làm đẹp mất mạng thì liệu cơ quan quản lý nhà nước về y tế có phải xem lại những quy định, quy trình này?

Thanh Giang