Print

22,8 triệu trẻ em Pakistan chưa được đến trường

Thứ Hai, 04 /04/2022 14:07

Theo UNICEF, Pakistan- quốc gia có 220 triệu dân, hiện là quốc gia có số trẻ em không được đến trường đứng thứ hai thế giới, tương đương với khoảng 22,8 triệu trẻ em. Một số yếu tố góp phần làm nên thực trạng này là bất bình đẳng giới, tình trạng kinh tế-xã hội và vị trí cư trú. Trong những năm gần đây, UNICEF, USAID đã thực hiện một số sáng kiến để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục ở Pakistan.

Tổng quan về giáo dục Pakistan

Theo một nghiên cứu của Liên minh Toán học và Khoa học Pak (Pak Alliance for Maths and Science, PAMS), dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Tiêu chuẩn Đo lường Đời sống và Xã hội Pakistan 2019-2020, 32% trẻ em Pakistan từ 5 đến 16 tuổi không đi học. Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này, chẳng hạn bất bình đẳng giới, xã hội Pakistan luôn coi vai trò duy nhất của phụ nữ là chăm sóc gia đình. Nghèo đói làm nhiều hộ gia đình nghèo không có khả năng cho con đi học. Khu vực cư trú cũng ảnh hưởng đến việc học tập, ví dụ như một bộ phận trẻ em sống vùng sâu, vùng xa không được đến trường vì quãng đường đến trường quá xa.

Ngoài ra, hệ thống giáo dục Pakistan đã và đang phải đối mặt với một số rào cản làm tăng thêm khó khăn trong việc có được một nền giáo dục đầy đủ, tiên tiến như cơ sở vật chất trường học xuống cấp; thiếu hệ thống vệ sinh; thiếu điện; đội ngũ giáo viên chất lượng chưa được như mong muốn; tình trạng tham nhũng tràn lan và hàng nghìn nhân viên ngành giáo dục phải nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống… khiến trẻ em quốc gia này phải chịu nhiều thiệt thòi.

Sáng kiến của USAID

USAID hợp tác với Chính phủ Pakistan để tăng khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung. Khẳng định chất lượng của nguồn nhân lực (giáo viên) ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội học tập của trẻ em, USAID ưu tiên đào tạo giáo viên. Theo đó, hợp tác với Ủy ban Giáo dục Đại học của Pakistan, đưa ra 2 chương trình cấp bằng giảng dạy chuyên nghiệp. Đồng thời, cung cấp khóa đào tạo cho giáo viên về cách dạy đọc cho học sinh bằng cách sử dụng các tài liệu hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi bằng ngôn ngữ địa phương; kiến tạo thư viện trong hàng nghìn lớp học ở Pakistan để khuyến khích học sinh ham đọc.

Kết quả, kể từ khi hợp tác giáo dục với Pakistan từ năm 2013, USAID đã tổ chức đào tạo cho hơn 46.000 giáo viên và quản lý trường học. Ưu tiên phát triển các chính sách giáo dục đáp ứng nhu cầu địa phương nhằm cải thiện sự tham gia của cộng đồng và việc ghi danh vào các trường học. Tạo được 17 khóa học đào tạo giáo viên. Xây dựng hoặc sửa chữa hơn 1.600 trường học trên khắp Pakistan. Sự hỗ trợ của USAID đã mang lại lợi ích cho hơn 2 triệu học sinh Tiểu học; cải thiện khả năng đọc hiểu cho 26% học sinh. Trao khoảng 19.000 học bổng cho những sinh viên xuất sắc để họ có thể theo học bậc Đại học.

Các sáng kiến của UNICEF

Kể từ năm 2016, UNICEF cam kết giảm số lượng trẻ em không được đến trường ở Pakistan bằng cách hỗ trợ củng cố Hệ thống Giáo dục Mầm non (ECE) nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng đi học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và khuyến khích học sinh hoàn thành chương trình học. Trẻ em từ các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực này.

Bên cạnh đó, UNICEF cũng cam kết nâng cao nhận thức giáo dục cho phụ huynh về “học tập, tầm quan trọng của việc đăng ký nhập học đúng thời điểm cho con cái và tận dụng các chương trình bảo trợ xã hội”- Điều này sẽ giúp phá bỏ rào cản đối với học sinh có được quyền lợi đi học. Ngoài ra, các sáng kiến giáo dục của UNICEF tại Pakistan góp phần thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận về ngân sách giáo dục và tài chính công của Chính phủ Pakistan, giúp nêu bật các lĩnh vực cần cải thiện để củng cố giáo dục của Pakistan nói chung.

Nhìn về phía trước

Những sáng kiến của UNICEF, USAID được đánh giá là góp phần quan trọng vào việc cải thiện tỷ lệ nghèo đói ở Pakistan (năm 2021, tỷ lệ nghèo đó ở mức 39,3%) “giáo dục là một con đường thoát nghèo đã được chứng minh”. Theo Hiệp định Đối tác Toàn cầu về Giáo dục, 420 triệu người trên thế giới sẽ thoát nghèo thông qua giáo dục trung học và “một năm học thêm có thể tăng thu nhập của phụ nữ lên tới 20%”.

Các sáng kiến giáo dục áp dụng ở Pakistan bắt đầu phát huy tác dụng trong giải quyết cuộc khủng hoảng giáo dục và sẽ tiếp tục được thực hiện trong những năm tới. Nỗ lực này sẽ khuyến khích nhiều trẻ em và cả người lớn ở quốc gia này học tập nhiều hơn; tạo nền tảng cho cho tỷ lệ hoàn thành chương trình học cao hơn, bất chấp sự chênh lệch kinh tế- xã hội mà nhiều trẻ em nghèo phải đối mặt; không chỉ vậy, còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia và tạo lập thị trường việc làm rộng lớn hơn.

Tùng Anh (Theo UNICEF)