Print

“Cây” sáng kiến ở Phú Yên

Chủ nhật, 08 /05/2022 09:19

Để được công nhận sáng kiến cấp Ngành phải qua xét chọn, đánh giá của Hội đồng khoa học với quy trình chặt chẽ; mức ứng dụng phải đảm bảo phạm vi rộng, thiết thực. Dù “khó” là vậy, song Nguyễn Thị Tường Vi- Kế toán viên ở BHXH huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) vẫn có tên trong danh sách 47 cá nhân có sáng kiến cấp Ngành năm 2021.

Chúng tôi biết đến Nguyễn Thị Tường Vi từ năm 2020, khi cô gái này được ra Hà Nội nhận Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc” lần thứ VII, do Trung ương Đoàn trao tặng. Càng bất ngờ hơn, khi gần đây, trong danh sách sáng kiến cấp Ngành năm 2021 do BHXH Việt Nam xét duyệt, chúng tôi lại thấy tên của cô gái này. 

Chị Nguyễn Thị Tường Vi (áo đỏ) nhận giải thưởng của Trung ương Đoàn hồi năm 2020

Nhắn gửi lời chúc mừng tới Tường Vi, cô cán bộ trẻ của BHXH huyện Đồng Xuân liền hồi âm: “Sáng kiến này cũng đang được gửi tham dự Giải thưởng “Lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tỉnh Phú Yên có 3 sáng kiến gửi đi, trong đó có sáng kiến của em, hy vọng được dịp ra Hà Nội lần hai”- Tường Vi chia sẻ. Theo lời Tường Vi, sáng kiến của cô có tên “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa bàn huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên”.

Đồng Xuân là huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, với 6/11 xã có đồng bào DTTS sinh sống. Kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 5,36%, hộ cận nghèo chiếm 17,3%... Bối cảnh trên cộng thêm khó khăn do Covid-19, nên trong năm qua, việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện gặp rất nhiều trở ngại. Với góc nhìn của một nhân viên kế toán (Tường Vi công tác trong Ngành từ năm 2014 đến nay), Tường Vi luôn trăn trở tìm giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế trong vận động BHXH tự nguyện tại huyện nhà.

Sáng kiến của Tường Vi là ứng dụng mô hình SWOT (viết tắt của 4 từ tiếng Anh: strengths- thế mạnh, weaknesses- điểm yếu, opportunities- cơ hội, threats- thách thức), là mô hình phân tích nổi tiếng thường được áp dụng trong kinh doanh, để thực hiện phân tích các thành tố (điểm mạnh- điểm yếu- cơ hội- thách thức) trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện miền núi Đồng Xuân.

Trong sáng kiến này, Tường Vi đã nghiên cứu và đánh giá kỹ tiềm năng, cơ hội để vận động phát triển BHXH tự nguyện. Theo đó, toàn huyện mới chỉ có khoảng 680 người tham gia BHXH tự nguyện, trong khi dân số trên địa bàn lên tới trên 55.170 người. Đáng chú ý, như nhận định của Tường Vi, đời sống của bà con dần có những thay đổi tích cực; các ứng dụng mạng xã hội có sức ảnh hưởng và lan truyền khá tốt, phần lớn người dân trong độ tuổi 18-45 đều sử dụng thành thạo mạng xã hội Facebook, Zalo… “Cơ hội, tiềm năng có, nhưng những khó khăn, thách thức cũng không hề nhỏ. Quan trọng hơn là phải tìm được giải pháp phù hợp. Em tự đặt mình vào vị trí của một nhân viên đại lý và thực hiện các công việc phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc và tổng hợp các cách giải quyết phù hợp nhất”- Tường Vi nói thêm.

Cũng theo sáng kiến của Tường Vi, các mục tiêu được xác định bao gồm: Xác định nhóm đối tượng mục tiêu, tiếp cận và tìm hiểu; hỗ trợ nhóm đối tượng mục tiêu tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, phân biệt với các loại hình BH thương mại khác; lập bảng tính; tăng cường truyền thông về chính sách trên các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo; lập file theo dõi cụ thể từng người tham gia; lập nhóm tham gia BHXH tự nguyện bằng ứng dụng Zalo để tạo kênh trao đổi thông tin 2 chiều.

Dựa theo đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa tại địa phương, Tường Vi xác định nhóm đối tượng mục tiêu chủ yếu là những người buôn bán tại nhà (có thu nhập khá và tương đối ổn định); nhóm lao động tự do làm việc tại một số cơ sở kinh doanh nhỏ; độ tuổi từ 23-40…

Công phu nhất là bảng tính được Tường Vi xây dựng trên nền tảng Excel, minh họa dễ hiểu mức đóng-hưởng phục vụ hữu hiệu cho quá trình giải thích cho NLĐ về quyền lợi khi tham gia BHXH. Chẳng hạn: Một lao động nữ bắt đầu đóng BHXH tự nguyện ở tuổi 57, qua thời gian 5 năm, có thể hưởng hỗ trợ mai táng phí là bao nhiêu, chế độ tuất một lần được bao nhiêu, đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì lương hưu được tính như thế nào…

Chị Nguyễn Thị Tường Vi trong một lần tập huấn  nghiệp vụ cho đại lý thu

Các bảng biểu, thông số đều được xây dựng đơn giản, đảm bảo các nhân viên đại lý thu có thể dễ dàng sử dụng, minh họa, giải thích trong mỗi lần vận động người dân. Ngay cả khi người dân muốn thay đổi mức đóng, 2 năm hay 3 năm tăng một lần, bảng tính cũng cho phép điều chỉnh và tính ra các chế độ hưởng tương ứng. “Bảng tính được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế của mỗi đại lý thu khi vận động BHXH tự nguyện; ai cũng băn khoăn về mức đóng, mức hưởng, nên công cụ này sẽ giúp họ được giải đáp những thắc mắc. Bảng tính cũng rất dễ dàng để chia sẻ đến với những ai quan tâm (có thể là bạn bè, hàng xóm… của người đã được tư vấn), có thể xem như một tờ rơi, dễ dàng trao tay”- Tường Vi giải thích.

Về mức độ ứng dụng sáng kiến của mình, Tường Vi cho rằng, có thể áp dụng cho hầu hết các nhân viên đại lý thu, cán bộ cơ quan BHXH và dùng được cho nhiều năm về sau. Hiệu quả mà sáng kiến mang lại cũng đã được chứng minh. Theo đó, lãnh đạo BHXH huyện Đồng Xuân đã phối hợp với Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Phú Yên) áp dụng sáng kiến này trên địa bàn TP.Tuy Hòa. Kết quả, trong năm 2021, trên địa bàn TP.Tuy Hòa tăng 716 người tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2020.

Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng cũng chủ động tham mưu cho lãnh đạo BHXH tỉnh chỉ đạo áp dụng sáng kiến trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2021, mặc dù là tỉnh chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19, nhưng BHXH tỉnh Phú Yên đã vận động được 18.413 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mới 3.738 người so với năm 2020. Riêng huyện miền núi Đồng Xuân tăng thêm 403 người tham gia BHXH tự nguyện.

Những con số trên cho thấy tính thiết thực từ sáng kiến của Tường Vi. Cũng từ đây, cô gái này được chọn và có tên trong danh sách cá nhân có sáng kiến của ngành BHXH Việt Nam năm 2021. Còn với chúng tôi, thêm một lần thực sự ấn tượng với sức sáng tạo của cô cán bộ BHXH huyện Đồng Xuân, khi không chỉ năng động, sáng tạo, nhiệt huyết và yêu nghề, liên tục trong những năm qua, Tường Vi còn luôn có những ý tưởng, sáng kiến rất hữu ích.

“Áp dụng sáng kiến này, cá nhân em cũng đã vận động được 24 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm qua”- Tường Vi chia sẻ. Chắc chắn, với niềm cảm hứng này, những sáng kiến sẽ còn đến nhiều hơn từ cô cán bộ kế toán của BHXH huyện Đồng Xuân.

Minh Đức