An sinh cho nữ giới: Nhìn từ chính sách hưu trí
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay ước tính có khoảng 20,5% dân số trong độ tuổi từ 65 trở lên được hưởng lương hưu. Với nữ giới, tỷ lệ được hưởng hưu trí hiện chiếm khoảng 16%; trong khi tỷ lệ với nam giới là khoảng 27,3%.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, khi xét ở nhóm tuổi cao hơn, tỷ lệ nữ được hưởng lương hưu nhìn chung là thấp. Cụ thể, chỉ khoảng 6,9% nữ giới từ 80 tuổi trở lên được hưởng lương hưu so với tỷ lệ 25,9% của nam. Các số liệu thống kê ở đây không xét đến trường hợp nhận trợ cấp xã hội với người cao tuổi. Mặc dù một số phụ nữ (và nam giới) có thể được nhận trợ cấp tử tuất hoặc trợ cấp hưu trí xã hội, nhưng về cơ bản, chỉ có một số lượng nhỏ nữ giới được nhận các loại trợ cấp này; số tiền trợ cấp nhận được cũng khiêm tốn, không thể so sánh với lương hưu.
Đa số những người hưởng lương hưu hiện nay, bao gồm cả nam và nữ, đều là những người từng lao động trong giai đoạn nền kinh tế của Việt Nam còn khó khăn, chưa được đổi mới vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Chính sách BHXH ở giai đoạn trước 1995 cũng chưa được mở rộng nhiều đến nhóm NLĐ tại các DN NQD, do đó tỷ lệ NLĐ hưởng lương hưu từ giai đoạn này nhìn chung là thấp, mức hưởng cũng thấp.
Xét riêng nhóm những người được giải quyết hưởng lương hưu trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động nữ được hưởng lương hưu có xu hướng dần tăng. Theo BHXH Việt Nam, trong khoảng 3 năm gần đây, tỷ lệ lao động nữ được hưởng lương hưu chiếm khoảng 45% tổng số người được giải quyết chế độ hưu trí. Trong các trường hợp được nhận lương hưu mới của nữ giới thì 47% là hưởng hưu trí thông thường, 39% là hưởng hưu trí do các điều kiện đặc biệt (do suy giảm khả năng lao động hoặc có 15 năm liền làm các loại công việc nặng nhọc, độc hại- ở nhóm này nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn).
Xét về các trường hợp được hưởng chế độ hưu trí từ việc tham gia BHXH tự nguyện, các chỉ số khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do chính sách BHXH tự nguyện mới được triển khai từ năm 2008. Các trường hợp được nghỉ hưu phần nhiều là do NLĐ đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc trước đó, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ số năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngoài ra, còn phải kể đến một nhóm NLĐ tham gia BHXH dành cho nông dân được thí điểm tại Nghệ An từ năm 1998, sau đó được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và đến năm 2018 đủ điều kiện nhận lương hưu. Tuy nhiên, về cơ bản, tỷ lệ lao động được hưởng lương hưu từ việc tham gia BHXH tự nguyện còn ở mức rất khiêm tốn. Theo đó, chỉ có gần 8% lao động nữ được hưởng hưu trí trong giai đoạn 3 năm gần đây từ BHXH tự nguyện.
Chính sách BHXH được mở rộng, triển khai mạnh mẽ từ năm 1995 cùng với sự ra đời của ngành BHXH Việt Nam. Dù tỷ lệ lao động nữ hưởng lương hưu trong các năm gần đây tăng đáng kể, nhưng rất cần các giải pháp để cải thiện chất lượng lương hưu của lao động nữ.
Cụ thể, xét về mức hưởng lương hưu, “điểm sáng” duy nhất được ghi nhận với nhóm nữ giới nghỉ hưu từ BHXH tự nguyện. Theo đó, bình quân lương hưu từ BHXH tự nguyện của nữ là trên 2,39 triệu đồng/tháng, cao hơn so với nam là khoảng 2,27 triệu đồng/tháng. Còn tính chung thì lương hưu của lao động nữ vẫn thấp hơn so với nam giới.
Xét ở nhóm đang hưởng lương hưu từ quỹ BHXH nói chung, bình quân lương hưu của lao động nam là trên 5,76 triệu đồng/tháng; trong khi ở nữ là 4,68 triệu đồng/tháng. Đây cũng là thực tế ghi nhận với nhóm lao động hưởng lương hưu từ ngân sách (những người về hưu trước năm 1995); theo đó, lương hưu bình quân của lao động nữ là trên 4,08 triệu đồng, thấp hơn so với lương hưu bình quân của nam là trên 5,09 triệu đồng.
Chênh lệch lương hưu giữa nam và nữ giảm dần với nhóm những người được giải quyết chế độ hưu trí trong những năm gần đây. Cụ thể, với nhóm lao động nghỉ hưu ở khu vực Nhà nước, bình quân lương hưu của nữ là trên 5,58 triệu đồng/tháng; khối DN tư nhân là 3,57 triệu đồng/tháng.
Xét về điều kiện hưởng lương hưu, theo quy định của Luật BHXH 2014, để được hưởng chế độ hưu trí, NLĐ phải tham gia BHXH tối thiểu 20 năm; số năm đóng càng nhiều thì cơ hội hưởng mức lương hưu càng cao hơn.
Thực tế, tổng số năm bình quân đóng BHXH (bao gồm tất cả các chế độ hưu trí, suy giảm hoặc không suy giảm khả năng lao động) của nữ chỉ đạt 27,4 năm trong khu vực tư nhân và 31 năm trong khu vực Nhà nước so với mức trung bình của nam giới lần lượt 31,8 và 34,8 năm. Rõ ràng, các số liệu thống kê cho thấy số năm đóng BHXH lao động nữ thấp hơn so với lao động nam. Đây là một trong các lý do dẫn đến việc lao động nữ nghỉ hưu với mức lương hưu thấp hơn.
Ghi nhận từ dữ liệu thu của cơ quan BHXH cũng cho thấy thực trạng lao động nữ ở nhóm tuổi trẻ có tỷ lệ tham gia BHXH khá cao. Tuy nhiên, do tính chất việc làm thiếu bền vững, chủ yếu tham các loại công việc có tính thâm dụng lao động cao như ngành dệt may, da giày…, dễ bị mất việc làm khi đã qua độ tuổi trung niên (sức khỏe, kỹ năng không đảm bảo) nên số năm đóng BHXH tích lũy được rất ít. Ở độ tuổi sau đó, cơ hội tìm việc làm, trở lại thị trường lao động với nữ giới không nhiều; đa phần quay trở lại làm việc ở khu vực phi chính thức với mức thu nhập khó ổn định. Thực trạng này cũng dẫn đến 2 xu hướng: nhận BHXH một lần hoặc tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng/hoặc đủ năm đóng rồi thì chờ đến khi đến tuổi nghỉ hưu. Như một hệ quả có thể thấy trước, số năm đóng BHXH thấp tác động tới cả diện bao phủ hưu trí và mức hưởng lương hưu.
Một yếu tố nữa tác động đến mức hưởng hưu trí của lao động nữ là quy định về tuổi nghỉ hưu. Trước kia, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và nam (bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) lần lượt là 55 và 60 tuổi. Theo quy định của Bộ luật Lao động (2019, Điều 169), tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ đã được điều chỉnh tăng và thu hẹp khoảng cách giữa 2 nhóm chỉ còn 2 năm thay vì 5 năm như trước kia. Theo đó, sau lộ trình điều chỉnh tăng dần, tuổi nghỉ hưu với nam sẽ là 62 tuổi (từ năm 2028) và 60 tuổi với nữ (từ năm 2035). Với mục tiêu dần thu hẹp khoảng cách giới trong độ tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng thêm 5 năm trong khoảng thời gian 15 năm (mỗi năm tăng thêm 4 tháng tính từ 2021 đến 2035); nam tăng thêm 2 năm trong khoảng thời gian 8 năm (mỗi năm tăng thêm 3 tháng tính từ 2021 đến 2028).
Những điều chỉnh này được đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển chung của nhiều quốc gia, nhất là với những nước đang phải đối mặt với bài toán “già hóa dân số”. Xét về lý thuyết, tăng tuổi nghỉ hưu, tức là tăng số năm đóng BHXH, do đó cơ hội để hương lương hưu cao hơn với lao động nữ cũng khá tích cực. Dù vậy, quy định về tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình và đang ở giai đoạn đầu nên khó có thể đưa ra đánh giá hiệu quả tác động thực tế.
Theo BHXH Việt Nam, ở nhóm tham gia BHXH bắt buộc, bình quân tuổi nghỉ hưu thực tế của nam giới là 57,6 và phụ nữ là 54 tuổi- chênh lệch thực tế còn 3,6 năm, trong khi theo quy định của luật, mức chênh lệch là 5 năm (ở thời điểm chưa thực hiện điều chỉnh theo quy định của Bộ Luật Lao động).
Theo nguyên tắc đóng- hưởng, tác động đến mức hưởng lương hưu của lao động nữ, thực tế còn phải xét đến lương bình quân tháng tính đóng BHXH. Lương bình quân tháng đóng BHXH càng cao thì cơ hội hưởng lương hưu cao cũng lớn hơn.
Về cơ bản, nhiều ghi nhận cho thấy lương bình quân của lao động nữ thấp hơn lao động nam, do đó, lương bình quân đóng BHXH của lao động nữ cũng sẽ thấp. Số liệu thống kê cho thấy, lương bình quân tháng đóng BHXH lao động nữ trong khu vực tư nhân thấp hơn 11,6% so với nam giới; ở khu vực nhà nước là 4,5%. Đáng ngại hơn là khoảng cách này có xu hướng tăng lên trong vòng 5 năm qua. Suy cho cùng, lý do cũng xuất phát từ đặc điểm thị trường lao động nước ta, nhất là tính chất việc làm thiếu bền vững của lao động nữ.
Rõ ràng, để đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn cho lao động nữ, cần sự thay đổi đồng bộ. Trước tiên, cần đảm bảo việc làm cho lao động nữ ổn định hơn, số năm tham gia BHXH được dài lâu (cả với BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện). Cùng với đó là cải thiện thu nhập, nâng cao lương bình quân đóng BHXH để lao động nữ được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Bài: Minh Lê
Đồ họa: Kiều Thanh