Print

Tỉnh Bình Dương: Thu hồi hàng chục tỷ đồng BH thất nghiệp

Thứ Sáu, 20 /05/2022 12:10

Trong năm 2021, qua kiểm tra, xác minh, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã phát hiện 9.557 người hưởng chế độ BH thất nghiệp sai quy định với số tiền phải thu hồi trên 46 tỷ đồng và đã triển khai thu hồi được trên 33,6 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Tuyên- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương cho biết, theo kết luận của cơ quan Kiểm toán, có 1.052 trường hợp đề nghị thu hồi với số tiền gần 5,5 tỷ đồng. Năm 2021, Trung tâm DVVL tỉnh đã rà soát 269 trường hợp, trong đó có 262 trường hợp phải thu hồi với số tiền trên 1,6 tỷ đồng; còn 783 trường hợp đang tiếp tục được xác minh. Trong 262 trường hợp đã xác minh, cơ quan chức năng đã thu hồi được gần 1,2 tỷ đồng của 199 người. Riêng số tiền 457 triệu đồng của 63 người còn lại chưa thu hồi được là do NLĐ chưa có tiền để hoàn trả, trong đó có 2 trường hợp lớn tuổi và đã nghỉ hưu…

NLĐ nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh

Cũng theo ông Tuyên, có trên 97% trường hợp hưởng BH thất nghiệp sai quy định được phát hiện (qua đối chiếu dữ liệu với BHXH, do NLĐ tự khai báo về việc có việc làm và qua rà soát). Đến nay, toàn tỉnh có 9.951 NLĐ thuộc diện phải rà soát, với số tiền đã hưởng BH thất nghiệp gần 49 tỷ đồng. Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương đã rà soát, xác minh được 9.327 trường hợp, trong đó có 9.295 trường hợp phải thu hồi với số tiền trên 44 tỷ đồng và 32 trường hợp không phải thu hồi tiền. Trong số 9.295 trường hợp phải thu hồi, hiện đã thu hồi được 6.980 trường hợp, với 32,5 tỷ đồng…

Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, nguyên nhân phải thu hồi chủ yếu do vi phạm từ phía NLĐ (chiếm 99,94%); do cơ sở đào tạo nghề (chiếm 0,06%). Nhiều NLĐ đã thay đổi số điện thoại liên lạc, nơi cư trú (khác với hồ sơ BH thất nghiệp đã nộp), nên Trung tâm DVVL tỉnh không thể liên hệ để kiểm tra, xác minh hoặc thực hiện thu hồi tiền; đối với các trường hợp liên hệ được thì đa số không hợp tác, không tự nguyện hoàn trả hoặc viện cớ hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền để hoàn trả. Trong khi đó, việc kết nối, đồng bộ dữ liệu để thực hiện chính sách BH thất nghiệp giữa ngành LĐ-TB&XH với ngành BHXH Việt Nam vẫn còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến hoạt động hỗ trợ kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm.

Trước tình trạng trên, theo ông Tuyên, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH cần tiếp tục nâng cấp phần mềm BH thất nghiệp và các phần mềm hỗ trợ rà soát, kiểm tra thực hiện chính sách BH thất nghiệp; kết nối dữ liệu chung với hệ thống các Trung tâm DVVL trên toàn quốc; kết nối liên thông dữ liệu với ngành BHXH Việt Nam để thực hiện chính sách BH thất nghiệp được thuận lợi… Điều đó có thể giúp cảnh báo đối với những trường hợp đang hưởng BH thất nghiệp có việc làm, tham gia mới BHXH mà không thông báo theo quy định.

Lê Văn