Những dấu ấn trong hành trình 90 năm thành lập Gia Lai
Chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập (24/5/1932-24/5/2022), tỉnh Gia Lai đã đạt được những dấu ấn đậm nét về phát triển kinh tế- xã hội, tạo nền móng ASXH đảm bảo; những di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa được gìn giữ và tôn tạo.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, đến nay tỉnh Gia Lai đã trải qua 90 năm xây dựng và phát triển hào hùng. Qua thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần, hình thành bản sắc cộng đồng các dân tộc ở tỉnh. Từ cuối thế kỷ XVII, người Kinh bắt đầu lên sinh sống ở phía Đông tỉnh. Cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã chọn vùng đất Tây Sơn Thượng đạo để xây dựng cơ sở ban đầu của cuộc khởi nghĩa. Từ cuối thế kỷ XIX, các nhóm nông dân người Kinh từ khu vực duyên hải miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi…) tiếp tục di cư lên Gia Lai, lập ra các làng ở An Khê và Bắc Tây Nguyên.
Gia Lai có bản sắc cộng đồng các dân tộc đa dạng
Gia Lai là vùng đất cổ xưa, qua lịch sử có nhiều biến đổi tạo nên sự đa dạng về thành phần, hình thành bản sắc cộng đồng các dân tộc. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24/5/1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12/12/1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Tháng 6/1946, thực dân Pháp chiếm lại vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền Cách mạng gọi là Gia Lai cho đến năm 1975, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Ngày 20/9/1975, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến năm 1991, Gia Lai-Kon Tum được chia tách thành 2 tỉnh là Gia Lai và Kon Tum. Từ sau khi chia tỉnh, Gia Lai tiếp tục chia tách để lập thêm một số huyện mới. Đến nay, tỉnh Gia Lai có 17 huyện, thị xã, thành phố; dân số hơn 1,55 triệu người với 44 dân tộc cùng sinh sống.
Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo tại Gia Lai được trao chứng nhận xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Gia Lai hiện là địa phương sở hữu những lợi thế tốt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như những tiềm năng, thế mạnh riêng đã thu hút đầu tư lớn. Năm 2021, tỉnh có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Nhờ vậy, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng năm 2021 lại là năm thực sự khởi sắc của kinh tế tỉnh Gia Lai. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 9,71% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỷ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 là 1.480 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020; thu nhập đầu người đạt trên 56 triệu đồng. Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công "mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra: vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Các lĩnh vực văn hóa- xã hội cũng có bước phát triển mới vượt bậc. Quy mô, chất lượng giáo dục tăng lên qua từng năm, trong đó giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 54% trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác dạy nghề được quan tâm; tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 55%. Công tác phát triển sự nghiệp y tế thu được những thành tựu quan trọng.
Cộng đồng dân tộc tại Gia Lai giữ nét văn hóa riêng
Tại Gia Lai, công tác an sinh xã hội được đảm bảo khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu từ 19,71% năm 2015 giảm còn 4,5% vào năm 2020, đến cuối năm 2021 giảm còn 3,96%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 12.945 hộ (giảm 4.233 hộ so với cuối năm 2020). Việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn được thực hiện khá tốt, giúp đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đồng bộ. Cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, góp phần tạo khối đại đoàn kết, giúp ổn định chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh…
Tại lễ Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022), công bố và đón nhận bằng di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh Gia Lai tổ chức mới đây, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã công bố và trao Quyết định công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho tỉnh Gia Lai. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã trao bằng chứng nhận cho 2 di tích lịch sử-văn hóa vừa được nâng cấp, xếp hạng là: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia.
UNESCO tại Việt Nam đã công bố và trao Quyết định công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho tỉnh Gia Lai
Như vậy, đến nay toàn tỉnh Gia Lai có 31 di tích đã xếp hạng (gồm 1 quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt; 14 di tích, cụm di tích quốc gia; 16 di tích cấp tỉnh) và 43 di tích trong danh mục kiểm kê. Đặc sắc nhất bao gồm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trà Giang