Sở Y tế TP.HCM lý giải chuyện thiếu thuốc BHYT ở các trạm y tế
Chiều 2/6, chia sẻ với báo chí, bà Lê Thiện Quỳnh Như- Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, đã lên tiếng giải thích lý do các trạm y tế (TYT) thiếu thuốc BHYT.
Thiếu thuốc vượt hạng
Sở dĩ đại diện Sở Y tế TP.HCM phải lên tiếng về vấn đề này, vì thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân tuyến trên sau quá trình điều trị thành công, được chuyển về y tế địa phương để tiếp tục theo dõi, uống thuốc theo đơn. Đáng nói, dù là bệnh mạn tính không lây, song đến TYT gần nhà cũng không có thuốc BHYT cho người bệnh.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như giải thích lý do TYT thiếu thuốc BHYT
Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, các TYT chủ yếu thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh và theo dõi, quản lý, tư vấn F0 điều trị tại nhà. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nên các TYT trở lại nhiệm vụ khám bệnh ban đầu đối với người dân tham gia BHYT.
“Trong giai đoạn chuyển tiếp, việc cung ứng thuốc tại TYT đã có hiện tượng thiếu một số thuốc nhất định”- bà Quỳnh Như nói. Cụ thể, TYT hiện là cơ sở KCB hạng 4- theo quy định sẽ được cung ứng danh mục thuốc theo hạng 4, nên sẽ thiếu một số thuốc khi người bệnh mạn tính chuyển về khám tại TYT từ các BV hạng 1, hạng 2...
“Trong khi đó, các TYT chưa thực hiện việc phê duyệt danh mục kỹ thuật và danh mục thuốc vượt hạng theo quy định. Ngoài ra, số người hiện đến khám tại các TYT chưa nhiều, nên việc mua sắm thuốc tại các TYT cũng đang gặp khó khăn, do không có nhà thầu tham gia cung ứng thuốc”- bà Quỳnh Như giải thích thêm.
Cũng theo bà Quỳnh Như, để giải quyết tình trạng này, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề “Nâng cao năng lực y tế cơ sở”. Với sự tham dự của các TTYT và TYT, Sở Y tế đã thông tin về việc thực hiện lập danh mục thuốc vượt tuyến tại các TYT, quy trình mua sắm thuốc… “Tuy nhiên, về lâu về dài, việc mua sắm thuốc tại các TYT nên thực hiện theo hướng mua sắm tập trung để đảm bảo lựa chọn nhà thầu tham gia cung ứng...”- bà Quỳnh Như thông tin.
Thiết lập TYT theo số dân
Trong hội nghị giao ban chuyên đề “Nâng cao năng lực y tế cơ sở”, Sở Y tế TP.HCM cũng quyết định các cuộc giao ban tương tự sẽ diễn ra định kỳ hàng tháng. Nỗ lực này nhằm tăng cường lắng nghe và trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Sở Y tế và các y bác sĩ là các trưởng TYT, để đưa ra các giải pháp giúp cho TYT hoạt động thuận lợi nhất.
Người dân KCB BHYT tại TYT phường 8 (quận Gò Vấp)
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng “chốt” định hướng nâng cao năng lực các TYT: Nâng cao năng lực để tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân và cộng đồng; không đi theo hướng chuyển đổi TYT trở thành một PK chuyên khoa hay một BV thu nhỏ.
Theo Sở Y tế TP.HCM, chức năng của TYT rất đặc thù, bên cạnh chức năng KCB như sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, quan trọng nhất là chăm sóc sức khoẻ người dân mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung...
Ngoài ra, các y bác sĩ của TYT còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như: Tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng chống dịch bệnh… và nhiều hoạt động khác.
“Với những chức năng và nhiệm vụ đã được Bộ Y tế quy định như trên, TYT càng không thể trở thành một PK hay BV thu nhỏ. Vai trò của TYT phường, xã, thị trấn đã được khẳng định và ngày càng được quan tâm”- Sở Y tế TP.HCM nêu rõ tại hội nghị hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Sở Y tế TP.HCM cũng đưa ra 6 đầu việc cụ thể phải thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục ưu tiên tăng cường nhân lực cho các TYT thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM về củng cố năng lực TYT. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đổi mới TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Tiếp tục chương trình thí điểm đào tạo thực hành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp theo hướng đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát tại các BV gắn liền với TYT. Tiếp tục hoạt động “Teleconsultation” (tư vấn từ xa) giữa các bác sĩ chuyên khoa của các BV thành phố với các bác sĩ của TYT; chuyển đổi số công tác quản lý sức khoẻ người dân, triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử và lập dữ liệu về sức khoẻ người dân...
Tại hội nghị này, Sở Y tế TP.HCM cũng nêu kiến nghị: Về lâu dài, cần xem xét điều chỉnh Luật KCB liên quan đến TYT. Theo đó, cần xem xét chuyển đổi phân bổ TYT theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn, như mỗi 10.000 đến 20.000 dân cần có một TYT.
Thanh Giang