Print

Quy định về chế độ nghỉ ốm đau như thế nào?

Thứ Năm, 30 /06/2022 16:42

Theo phản ánh của bạn Nguyễn Ngọc Cường, bạn nghỉ ốm đau 64 ngày, nhưng lại hưởng có 30 ngày. Điều này khiến bạn chỉ nghỉ vừa đủ 30 ngày đã phải đi làm, trong khi vết thương do rách sụn vai chưa lành và vẫn phải băng bó. Đồng thời, bạn Cường đặt câu hỏi, cơ quan BHXH có làm đúng trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH hay không?

Trả lời:

Luật BHXH hiện hành quy định, chế độ ốm đau hoàn toàn do chủ SDLĐ đóng BHXH để NLĐ được hưởng khi bị ốm. Về thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với NLĐ tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định tại Khoản 1, Điều 26 Luật BHXH năm 2014.

Cụ thể như sau:

- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành; hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình đóng BHXH của mình, nên Tạp chí BHXH chưa đủ căn cứ để trả lời cụ thể. Tạp chí BHXH cung cấp quy định của pháp luật nêu trên để bạn nắm được về quyền lợi hưởng chế độ ốm đau của bản thân.

Còn về trách nhiệm của cơ quan BHXH, với thẩm quyền là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH cho NLĐ, cơ quan BHXH phải căn cứ vào hồ sơ của NLĐ và đối chiếu quy định của pháp luật để giải quyết chế độ BHXH theo đúng quy định.

Trong trường hợp cần trả lời chi tiết, đề nghị bạn cung cấp thông tin về quá trình tham gia BHXH của mình theo sổ BHXH, gửi tới cơ quan BHXH tại địa phương để được xem xét và giải thích cụ thể.

BBT