Print

Ngành BHXH Việt Nam có ưu thế trong thực hiện công tác thanh tra

Thứ Sáu, 15 /07/2022 16:10

Sáng 15/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, do Phó Chủ nhiệm Ngô Trung Thành làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về công tác tổ chức và hoạt động thanh tra của Ngành BHXH Việt Nam. Tham gia Đoàn còn có các Phó Chủ nhiệm: Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Mai Phương và các Ủy viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH... Làm việc với Đoàn, về phía BHXH Việt Nam có Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn và đại diện các vụ, ban liên quan.

Phát huy hiệu quả thanh tra chuyên ngành đóng BHXH

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Trung Thành- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có nhiều vấn đề mới như thay đổi về tổ chức, quy trình hoạt động, nên ảnh hưởng đến các cơ quan, trong đó có cơ quan BHXH. Bởi, có nhiều cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra trong lĩnh vực BHXH, BHYT như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, trong đó BHXH Việt Nam được giao thanh tra chuyên ngành đóng BHXH. Do đó, việc tổ chức bộ phận thanh tra của BHXH thế nào, hoạt động thanh tra có chuyên ngành, có nội dung thanh tra hành chính... thay đổi ra sao sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua.

Ông Ngô Trung Thành phát biểu tại buổi làm việc

Cũng theo ông Thành, pháp luật hiện hành quy định 3 hình thức thanh tra (kế hoạch, đột xuất, thường xuyên). Thế nhưng, theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ không còn thanh tra thường xuyên. Đối với thanh tra thường xuyên, cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, bản chất là việc kiểm tra- đây là thay đổi lớn và nó tác động đến hoạt động thanh tra của ngành BHXH Việt Nam.

Đáng chú ý, qua thảo luận tại Quốc hội cho thấy, không phải cơ quan thuộc Chính phủ nào cũng cần thanh tra chuyên ngành như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Riêng với BHXH Việt Nam lại khác, do có những hoạt động rất cụ thể và các ĐBQH cũng cho rằng đối với cơ quan BHXH cần có những tiêu chí cụ thể. Ban soạn thảo cũng cho rằng, đối với cơ quan thuộc Chính phủ được giao một số nhiệm vụ quản lý nhà nước, thì có thể được thành lập cơ quan chuyên ngành. “Với những điểm mới như vậy, Đoàn khảo sát rất mong được tiếp nhận những thảo luận, góp ý từ thực tiễn hoạt động của BHXH Việt Nam đối với Ủy ban, để Luật được ban hành và đi vào thực tiễn...”- ông Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho rằng, thông qua buổi làm việc sẽ góp phần giúp Ủy ban Pháp luật cũng như Quốc hội nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định, ngành BHXH Việt Nam là ngành đặc thù, bởi hoạt động tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT không chỉ diễn ra ở Trung ương, ở các cấp, mà còn diễn ra ở đơn vị SDLĐ, cơ sở KCB; thậm chí ở việc kê khai thanh toán (cấp chính quyền cơ sở) với từng người dân.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn phát biểu tại buổi làm việc

"Đến hết năm 2021 có gần 92% dân số tham gia BHYT- tương đương hơn 88 triệu người dân tham gia BHYT và khoảng 17 triệu người tham gia BHXH; giao dịch với người dân rất lớn, có những đặc thù rất riêng và quan trọng nhất là xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) đồng bộ, phù hợp với các luật khác, cũng phù hợp với thực tiễn- thanh tra là công cụ đắc lực nhất tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nói chung và chính sách về BHXH, BHYT nói riêng…"- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn thông tin.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, trong giai đoạn 2016-2021, toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại 92.554 đơn vị SDLĐ. Qua đó, phát hiện và xử lý 120.615 trường hợp NLĐ chưa đóng hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền truy thu 498,4 tỷ đồng; 161.632 trường hợp NLĐ đóng thiếu mức đóng với số tiền truy thu 293,3 tỷ đồng; các đơn vị đã khắc phục nộp 11.492,6 tỷ đồng; ban hành 2.258 quyết định xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt với số tiền phải truy nộp 122,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, qua 6 năm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, số nợ phải tính lãi đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2016 là 7.600/257.300 tỷ đồng; năm 2017 là 5.700/291.300 tỷ đồng; năm 2018 là 5.700/332.000 tỷ đồng; năm 2019 là 6.000/368.200 tỷ đồng...

Ứng dụng CNTT để thanh tra trúng và đúng

Báo cáo thực trạng tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam, ông Lò Quân Hiệp- Vụ trưởng Vụ Thanh tra-Kiểm tra cho biết, trong 6 năm qua, hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng của BHXH Việt Nam đã đi vào nề nếp, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã được chứng minh bằng sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nghiệp vụ cũng như trong công tác quản lý của Ngành. “Bộ máy thanh kiểm tra của Ngành được tổ chức theo ngành dọc với 856 người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng, trong đó có 634 người đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Khi thành lập các Đoàn Thanh tra chuyên ngành có thể trưng dụng gần 2.000 cán bộ thuộc các ban, phòng nghiệp vụ khác”- ông Hiệp thông tin.

Ông Lò Quân Hiệp báo cáo tại buổi làm việc

Cùng với việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành, BHXH Việt Nam cũng quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu, triển khai nhiều phương pháp để khai thác, phân tích các dữ liệu có sẵn của Ngành về số thu, thông tin người tham gia và hưởng BHXH, BHYT để chọn mẫu, đánh giá, xác định những sai sót, lạm dụng, trục lợi cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác. Hiện, phần mềm quản lý hoạt động thanh kiểm tra đang được nâng cấp để bổ sung chức năng xử lý dữ liệu, cảnh báo (xây dựng 121 dấu hiệu nhận diện của 77 hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; 141 dấu hiệu nhận diện sai sót trong nghiệp vụ). Hoạt động thanh tra chuyên ngành của Ngành cũng luôn tuân thủ nghiêm túc trình tự, thủ tục, thời gian từ khai lập kế hoạch thanh tra hàng năm cho đến việc thực hiện các bước trong quy trình tiến hành một cuộc thanh tra.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đã đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam; đồng thời khẳng định, từ khi được giao thực hiện chức năng này, việc nhận định các hành vi vi phạm để tiến hành thanh tra kịp thời, đúng thời điểm đã làm giảm số tiền nợ BHXH, BHYT. Đặc biệt, qua công tác thanh tra chuyên ngành, quyền lợi của nhiều NLĐ đã được đảm bảo; tính tuân thủ pháp luật BHXH, BHYT trong các đơn vị SDLĐ cao hơn.

“Ngành BHXH Việt Nam có lợi thế về dữ liệu điện tử nên việc thực hiện thanh tra chuyên ngành rất tốt, đã đánh giá được những rủi ro để thanh tra đúng và trúng; công việc thực hiện chính sách BHXH sát sao, nên khi thanh tra mang lại hiệu quả lớn. Từ khi được Quốc hội trao chức năng thanh tra chuyên ngành, số nợ BHXH, BHYT đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT có liên quan đến 3 cơ quan nên có trùng lắp về nhiệm vụ. Chính vì vậy, Luật Thanh tra (sửa đổi) phải gỡ được vướng mắc này, thì sau khi sửa đổi luật chuyên ngành mới có cơ sở để trao tiếp chức năng thanh tra chuyên ngành về chi”- ông Tô Văn Tám- Ủy viên Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, đại diện BHXH Việt Nam cũng đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến công tác thanh tra như: Biên chế, nhân lực nếu thành lập cơ quan thanh tra; tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày càng tinh vi, trong khi hoạt động thanh tra của một số ngành liên quan chưa được nhiều do lực lượng mỏng. Đặc biệt, đại diện BHXH Việt Nam cũng khẳng định, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có quy định chung cho các hình thức thanh tra (chuẩn bị, tiến hành và kết thúc thanh tra), song việc thanh tra của ngành BHXH Việt Nam không bị ảnh hưởng và cũng không có vướng mắc gì… “Cơ quan BHXH có hệ thống dữ liệu, nên sẽ khoanh vùng chính xác khi xây dựng kế hoạch. Đặc biệt, hoạt động kiểm tra thường xuyên của các đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam bao giờ cũng có mục hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi quản lý”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Ngô Trung Thành đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm của BHXH Việt Nam cũng như các thành viên Đoàn khảo sát. Đặc biệt, theo ông Thành, qua khảo sát, Ủy ban Pháp luật đã có cái nhìn mới về công tác thanh tra chuyên ngành để bổ sung vào Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới. “Bỏ thanh tra thường xuyên theo Luật Thanh tra, công việc thực hiện ở BHXH vẫn không bị ảnh hưởng. Đồng thời, tôi rất ấn tượng việc sử dụng CNTT và số hoá của ngành BHXH Việt Nam. Khi ứng dụng tốt CNTT thì công tác thanh tra rất hiệu quả. Nếu không làm việc với BHXH, chúng tôi sẽ không phát hiện vướng mắc trong trùng lắp nhiệm vụ thanh tra BHXH với thanh tra thực hiện chính sách của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế. Mặt khác, dù khối lượng công việc rất nhiều, nhưng BHXH sẽ có ưu thế khi được giao thêm một số nhiệm vụ trong thanh tra”- ông Thành nhấn mạnh.

Vũ Thu