TP.HCM: Cả hệ thống chính trị cùng dốc sức gia tăng người tham gia BHXH, BHYT
Sáng 29/7, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân khiến việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn chưa tương xứng tiềm năng; đồng thời đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này.
Ngoài các đơn vị thành viên, Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Sở KH-ĐT, Cục Thuế, Công an; thường trực cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các phòng, ban thuộc UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức; Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Riêng hệ thống BHXH TP.HCM, ngoài Ban lãnh đạo, còn có các Tổ trưởng, Tổ phó các tổ nghiệp vụ thuộc BHXH các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Đại diện BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị có ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ.
Ông Phan Văn Mến báo cáo kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm 2022
Giải quyết chế độ đầy đủ, kịp thời
Tại Hội nghị, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đã trình bày các kết quả thực hiện công tác BHXH, BHYT 7 tháng đầu năm, cũng như chỉ tiêu và giải pháp thực hiện trong 5 tháng còn lại của năm 2022. Theo đó, tính đến ngày 26/7, quỹ BHYT đã chi trả cho hơn 8,4 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền hơn 9.800 tỷ đồng (chiếm 48,88% dự toán được giao). Trong đó, KCB nội trú 0,75 triệu lượt (hơn 5.600 tỷ đồng), KCB ngoại trú 7,72 triệu lượt (hơn 4.200 tỷ đồng). So với cùng kỳ, tổng số lượt người KCB BHYT giảm 1,57%, song tổng tiền quỹ BHYT chi trả tăng 3,84%.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, toàn hệ thống BHXH TP.HCM đã tổ chức chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho khoảng 1,2 triệu lượt người (tăng 12,7% so với cùng kỳ), với tổng số tiền hơn 14.800 tỷ đồng. Trong đó gồm: Chi trợ cấp BHXH hằng tháng cho 4.582 người; chi BHXH một lần cho 62.000 người (tăng 1,6%- tương ứng tăng 1.125 người so với cùng kỳ); chi chế độ ốm đau cho 636.775 lượt người, chi chế độ thai sản cho 96.217 lượt người, chi chế độ DS-PHSK cho 16.254 lượt người. Ngoài ra, BHXH TP.HCM còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH chi trả cho hơn 82.100 người hưởng BH thất nghiệp và 240.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Tính chung, tổng số tiền chi các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên toàn địa bàn TP.HCM từ đầu năm tới nay là 24.690 tỷ đồng. Trong đó: Chi BHXH 13.064 tỷ đồng (chi từ nguồn NSNN 814 tỷ đồng, chi từ nguồn quỹ BHXH 12.250 tỷ đồng); chi quỹ BH thất nghiệp 1.788 tỷ đồng; chi KCB BHYT 9.838 tỷ đồng.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hội trường UBND TP.HCM
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, BHXH TP.HCM đã tham gia với tinh thần trách nhiệm. Cụ thể: Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 384 đơn vị với hơn 73.200 NLĐ (số tiền hơn 577 tỷ đồng); giảm đóng quỹ BH TNLĐ-BNN cho 110.256 đơn vị với hơn 2,37 triệu NLĐ (số tiền hơn 1.000 tỷ đồng). Riêng việc thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, tính đến ngày 25/7, BHXH TP.HCM đã xác nhận danh sách NLĐ đang tham gia BHXH làm việc trong DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể... cho 22.415 đơn vị với hơn 787.000 NLĐ.
Dư địa phát triển còn nhiều
Cũng theo báo cáo, đến nay, thành phố có 2.439.187 người tham gia BHXH, BHYT (tăng 4,12% so với cuối năm 2021- tương đương hơn 96.000 người). Trong đó, BHXH bắt buộc có 2.411.107 người, đạt 89,73% kế hoạch năm và tăng 5,22% so với cuối năm 2021; BHXH tự nguyên có 28.080 người, mới đạt 22,41% kế hoạch năm; BH nghiệp có 2.363.771 người, đạt 89,53% kế hoạch năm, tăng 5,33% so với cuối năm 2021; BHYT có 7.623.261 người, đạt 88,83% kế hoạch năm, tăng trên 10.000 người so với cuối năm 2021. Trong đó, BHYT HSSV có 1.730.989 người, đạt tỷ lệ 92,9%; BHYT hộ gia đình có 2.081.557 người; BHYT nhóm khác có 3.810.715 người.
Đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu quận, huyện
Qua 7 tháng đầu năm, ước tổng số thu BHXH, BHYT là 41.849 tỷ đồng, tăng 7,74% so với cùng kỳ và đạt 55,57% kế hoạch năm. Về số nợ, tính đến ngày 31/7, tổng nợ BHXH, BHYT là 5.347 tỷ đồng, chiếm 7,1% so với số phải thu. Sau khi trừ số tiền nợ dưới 1 tháng (1.792 tỷ đồng) và nợ khó thu (560 tỷ đồng), thì số tiền nợ còn lại là 2.993 tỷ đồng, chiếm 3,97% so với số phải thu. Đáng chú ý, trong đó có hơn 200 tỷ đồng nợ từ ngân sách.
So với quy mô dân số (gần 10 triệu người) và số người trong độ tuổi lao động, có thể thấy dư địa phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều. Dù vậy, theo Ban Chỉ đạo, có khá nhiều nguyên nhân khiến công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả chưa tương xứng tiềm năng. Đơn cử: Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài; HSSV một số trường đại học vẫn còn học trực tuyến nên nhà trường chưa thu được tiền và lập danh sách tham gia tiếp; người dân bị mất thu nhập hoặc chưa quay lại thị trường làm việc nên không có điều kiện tiếp tục tham gia, một bộ phận NLĐ vẫn có xu hướng nhận BHXH một lần, chưa quan tâm đến việc đóng BHXH tự nguyện; số đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất vẫn còn khó khăn nên chưa đóng bù đầy đủ số tiền được phép tạm dừng đóng vào quỹ BHXH...
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như trên, Ban Chỉ đạo cũng đề cập đến một số nguyên nhân chủ quan. Theo đó, mặc dù Thành ủy, UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác phát triển người tham gia, cũng như giao chỉ tiêu phát triển người tham gia hằng năm cho UBND cấp quận, huyện, nhưng do sự vào cuộc chưa thật sự quyết liệt của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, nên chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT chưa tương xứng với tiềm năng. Về phía BHXH TP.HCM, mặc dù đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhưng do lực lượng CCVC còn mỏng, nên công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu trực tiếp tại đơn vị còn hạn chế. Ngoài ra, cán bộ được phân công chưa bám sát tình hình đơn vị quản lý (một phần do số cán bộ ít, số đơn vị nhiều) đã tạo kẽ hở cho đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT, tham gia không đủ số người...
Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận rằng, công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, đoàn thể chưa thực sự hiệu quả, chưa có bước đột phá trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin của nhóm người tham gia BHXH tự nguyện còn rất ít, do đặc thù tính chất lao động đơn thuần, lao động nặng nhọc, nên cần nhiều thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe sau giờ làm. Nhận thức về chính sách, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện của người dân còn hạn chế, chủ yếu chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn trước mắt, chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài và lợi ích chung của xã hội. Ngoài ra, mức chuẩn nghèo tăng từ 700.00 đồng lên 1.500.000 đồng, thời gian đóng BIIXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng chế độ phải đủ 20 năm là khá dài, đòi hỏi sự kiên trì và thu nhập ổn định mới đảm bảo việc tham gia được liên tục và đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định...
Dốc sức những tháng cuối năm
Theo Ban Chỉ đạo, toàn hệ thống chính trị phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển người tham gia BHXH, BHYT nhằm đạt chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM và BHXH Việt Nam giao. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm phải đạt số người tham gia với những chỉ tiêu cụ thể: BHXH bắt buộc đạt 2.687.047 người; BHXH tự nguyện đạt 125.322 người; BHYT đạt 8.581.493 người; BH thất nghiệp đạt 2.640.264 người. Song song đó, số thu BHXH, BHYT đạt 76.000 tỷ đồng (BHXH Việt Nam giao 75.312 tỷ đồng). Số nợ BHXH, BHYT giảm dưới 3% so với số phải thu. Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác BHYT HSSV, đảm bảo đến hết năm 2022 đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Ông Dương Văn Hào phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực thời gian qua của TP.HCM đối với công tác BHXH, BHYT. Ông Dương Văn Hào cũng đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của từng thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các quận, huyện đối với việc thực hiện các chỉ tiêu BHXH, BHYT.
Ngoài ra, ông Dương Văn Hào cũng chia sẻ nhiều giải pháp, cách làm hữu hiệu ở một số địa phương. “Hy vọng với những sẻ chia, trao đổi này, địa biểu tham dự hội nghị sẽ nghiên cứu, tham khảo và vận dụng thực hiện trên địa bàn của mình theo cách phù hợp nhất, để công tác BHXH, BHYT ở TP.HCM thêm hiệu quả hơn trong những ngày tới”- ông Hào nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tại Hội nghị có 11 tham luận do lãnh đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể trình bày... Trong đó, xoay quanh thực tế triển khai công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn; cũng như công tác giải quyết các chế độ, chính sách cho người tham gia BHXH, BHYT. Qua đó, đúc rút các phương pháp, cách làm hiệu quả; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cũng như đề xuất Ban Chỉ đạo những hướng giải quyết cụ thể... Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng nhận định, từ nay đến cuối năm, để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách thực chất, phải quyết liệt chung tay cùng hệ thống BHXH TP.HCM.
Ông Dương Anh Đức- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, so với chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cả năm 2022, TP.HCM còn khoảng cách khá xa. Đại diện chính quyền TP.HCM nói rằng, trong 5 tháng còn lại, công tác BHXH, BHYT còn nhiều ngổn ngang, vì vậy cả hệ thống chính trị trên địa bàn phải cùng dốc sức, chung lòng mới mong hoàn thành nhiệm vụ chăm lo an sinh xã hội được giao.
Vì vậy, ông Dương Anh Đức giao các sở, ngành, địa phương cần thực hiện 7 nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác BHXH, BHYT, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia. Riêng Sở Tài chính, ông Đức yêu cầu cần nhanh chóng tham mưu cho UBND TP.HCM xử lý các khoản nợ BHXH, BHYT đối với nhóm người do ngân sách địa phương đóng và hỗ trợ đóng. “Vấn đề này không được trì hoãn, kéo dài nữa”- ông Đức lưu ý.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo cũng tổng hợp ý kiến tại Hội nghị và đưa ra một số kiến nghị đối với Trung ương, nhằm giúp thúc đẩy công tác BHXH, BHYT trên địa bàn thêm hiệu quả. Cụ thể, Ban Chỉ đạo đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Thanh tra. Cụ thể: Về Luật BHXH 2014, cho phép người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia BHXH, BHYT và được hưởng đầy đủ các quyền lợi như người tham gia BHXH bắt buộc (hiện nay chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất). Về Luật BHYT, cần thống nhất nhóm người tham gia BHXH bắt buộc và BHYT ở nhóm người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng). Về Luật Thanh tra, nên giao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra chuyên ngành toàn diện trong các lĩnh vực quản lý về thu, chi BHXH, BHYT.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung quyền khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT của DN cho cơ quan BHXH; ban hành Nghị định xử lý đối với các đơn vị mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng dừng giao dịch... không có khả năng thu hồi nợ BHXH, BHYT; xem xét giao chức năng khởi kiện cho ngành BHXH Việt Nam như truớc đây. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư liên tịch huớng dẫn chế tài thực hiện BHYT HSSV; hướng dẫn xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài.
Đỗ Bá