Hậu Giang: Nhiều thách thức trong những tháng cuối năm
Sáng ngày 4/8/2022, tại UBND tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tỉnh tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm. Hội nghị do ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Trần Văn Huyến- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Hồ Thu Ánh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì.
Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham dự của ông Đoàn Quốc Thật- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Lê Văn Sơn- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTTQ tỉnh và tất cả thành viên Ban Chỉ đạo.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Ban Chỉ đạo, Giám đốc BHXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Thanh Xuân- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, trình bày những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm; đồng thời, nêu những khó khăn, thách thức trong công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2022, toàn Hậu Giang có 76.379 người tham gia BHXH, chiếm 18,98% tổng lực lượng lao động trên địa bàn, tăng 5,94% so cùng kỳ, đạt 84,85% kế hoạch năm. Trong đó, 65.123 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,73% so cùng kỳ, đạt 102,04% kế hoạch năm; 11.256 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 7,18% so cùng kỳ, đạt 42,98% kế hoạch năm.
Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến phát biểu tại Hội nghị
Đối với BH thất nghiệp, có 59.880 người tham gia, tăng 6,90% so cùng kỳ, đạt 102,70% kế hoạch năm. Riêng BHYT, toàn địa bàn đã bao phủ 83,26% dân số với 607.762 người tham gia, giảm 5,39% so cùng kỳ, đạt 90% kế hoạch năm. Tính ra, với 10% kế hoạch năm còn lại phải thực hiện, toàn Hậu Giang cần vận động 67.547 người tham gia BHYT.
Về tổng thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, qua 6 tháng đầu năm BHXH tỉnh đã thực thu hơn 816 tỷ đồng, tăng 4,59% so cùng kỳ, đạt 50,59% kế hoạch năm. Về chi trả chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, nửa đầu năm 2022 cả hệ thống BHXH Hậu Giang đã tiếp nhận, giải quyết 27.579 lượt người, thực chi tổng cộng 449,9 tỷ đồng.
Riêng với công tác chi trả BHYT, 6 tháng qua cả hệ thống BHXH ở Hậu Giang đã đảm bảo quyền lợi đối với người tham gia BHYT khi đi KCB BHYT nội và ngoại tỉnh. BHXH tỉnh đã ghi nhận hơn 502.844 lượt KCB với chi phí 258,5 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 430.937 lượt KCB nội tỉnh với chi phí 106 tỷ đồng, hơn 71.907 lượt KCB ngoại tỉnh với chi phí 152,5 tỷ đồng...
Bà Hồ Thu Ánh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội nghị
Qua kết quả thực hiện các chỉ tiêu trong nửa đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những khó khăn trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện chưa bền vững.
Tình trạng này thường ghi nhận ở những hộ gia đình còn nhiều khó khăn, chưa đủ khả năng tham gia BHYT tròn năm tài chính. Những hộ gia đình này thường chỉ tham gia 3 tháng, 6 tháng, hoặc được sự hỗ trợ của địa phương tham gia các tháng cuối năm tài chính. Nhưng khi tới hạn tái tục, các hộ gia đình này lại không tham gia tiếp, khiến quyền lợi BHYT tham gia đủ 5 năm liên tục bị ảnh hưởng...
Cũng liên quan đến vấn đề BHYT, theo Ban Chỉ đạo, đó là chất lượng dịch vụ ở một vài cơ sở KCB trên địa bàn Hậu Giang, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, vẫn chưa hiệu quả và cần được cải thiện, nhất là tình trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc BHYT do chậm đấu thầu trong thời gian vừa qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia BHYT.
Nửa đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng ghi nhận tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài còn xảy ra ở một số DN trên địa bàn. Với những khó khăn nói trên, Ban Chỉ đạo nhận định rằng, đời sống kinh tế, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh còn khá thấp là nguyên nhân phổ biến tác động nhiều đến công tác dệt lưới an sinh.
Ngoài ra, việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số người SDLĐ, NLĐ còn chưa nghiêm. Ý thức tự giác tham gia BHXH, BHYT của một số người trong cộng đồng dân cư còn chưa cao, điều này thể hiện rõ qua cách tham gia BHYT khi có bệnh mới chịu tham gia, lúc khỏe lại thôi.
Với những kết quả đạt được qua 6 tháng đầu năm, cùng những phân tích, nhận định về khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Ban Chỉ đạo đã đề ra nhiều giải pháp trong những tháng cuối năm. Theo đó, để Hậu Giang có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao liên quan đến ASXH, phía BHXH tỉnh xác định rõ phải chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Song song đó, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tập trung các giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT toàn dân, đảm bảo đạt các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý...
Tại Hội nghị, đại diện UBND các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp... đã tham gia đóng góp ý kiến với hình thức tham luận. Theo đó, chính quyền các địa phương đã nêu bật thực trạng công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn, đồng thời chỉ ra các hạn chế, vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực tế. Thông qua tham luận, chính quyền các địa phương cũng đề ra những giải pháp phù hợp với địa bàn và đặc thù dân cư.
Ngoài những giải pháp liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chính sách ASXH, chính quyền các địa phương còn tăng cường phối hợp với ngành BHXH để tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn cho các nhân viên thu BHXH, BHYT, các cộng tác viên cơ sở về chính sách BHXH tự nguyện, lựa chọn người đi tuyên truyền, vận động là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình, trách nhiệm, có trình độ, có khả năng nắm bắt các nội dung, chính sách về BHXH tự nguyện, đảm bảo công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện hiệu quả...
Gợi ý thảo luận thêm tại Hội nghị, bà Hồ Thu Ánh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã thẳng thắng đề cập đến tình trạng thiếu bền vững trong phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện ở một số huyện. Theo bà Ánh, cứ đến dịp cuối năm thì các chỉ tiêu đều đạt, nhưng vừa sang Quý 1, Quý 2 của năm mới thì lại sụt giảm. Vì thế, bà Ánh đề nghị một số địa phương vướng tình trạng này tham gia ý kiến, nêu rõ khó khăn, vướng mắc và phương cách để khắc phục, vượt qua trong thời gian tới.
Theo đại diện chính quyền huyện Châu Thành, địa phương này từ đầu năm đến nay không thuận lợi về điều kiện tự nhiên. Trước đó thì do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19... Tất cả những điều này đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân, nên công tác vận động người dân tham gia BHXH, BHYT ngày càng khó khăn hơn. Dù vậy, 6 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH tự nguyện ở Châu Thành cũng đạt 53,95% kế hoạch năm huyện giao (2.158 người tham gia), tăng hơn 51% so với cùng kỳ.
Theo đại diện chính quyền huyện Châu Thành A, BHXH tự nguyện rất lợi ích với người tham gia, song vì sự cố cuộc sống nên buộc phải rút 1 lần để trang trải. Còn về BHYT thì đại diện chính quyền huyện cũng thừa nhận tình trạng bao phủ trong dân còn thấp (mới 77%). Dịp này, đại diện chính quyền huyện Châu Thành A cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện BHXH, BHYT.
Với TP.Vị Thanh, theo đại diện chính quyền địa phương này, có những nhóm khó khăn cơ bản trong thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn. Đó là cung ứng dịch vụ y tế trong KCB BHYT còn chưa đầy đủ (thiếu thuốc, thiếu VTYT...), đã ảnh hưởng đến công tác vận động người dân tham gia BHYT. Ngoài ra, việc thực hiện chỉ tiêu thiếu bền vững là người dân chỉ tham gia vào dịp cuối năm theo thu nhập mùa vụ nông nghiệp. Nhận diện được những khó khăn này, đại diện chính quyền TP.Vị Thanh cũng đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục, như vận động sớm giúp người dân tham gia.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Trần Văn Huyến đã có những chia sẻ sát thực tế về công tác BHXH, BHYT trên đại bàn. Theo ông Huyến, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là người yếu thế, tỉnh Hậu Giang thời gian qua luôn làm hết sức mình để đảm bảo nhất trong điều kiện có thể nền ASXH. Người đứng đầu HĐND tỉnh nhấn mạnh, dù nguồn lực còn mỏng, còn yếu nhưng Hậu Giang luôn ráng làm hết sức mình trong công tác BHXH, BHYT.
Được biết, hiện Hậu Giang còn trên dưới 10% hộ nghèo và cận nghèo. Kinh tế, đồi sống của người dân Hậu Giang chủ yếu đến từ nông nghiệp với trồng lúa và làm vườn là chính. Mùa lúa Hè- Thu này, giông gió nhiều nên đang độ thu hoạch thì lúa ngã rạp trên đồng, nông dân chỉ từ hòa vốn đến lỗ mà thôi. Còn làm vười với cây mít, cây xoài là chính thì đang rớt giá (cả mít, xoài chỉ 1.500 đồng/kg) nên càng cố thu hoạch càng lỗ.
Trong bối cảnh đó, ông Huyến lưu ý tại hội nghị rằng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc lo ASXH, lo tăng quy mô nền kinh tế... Về vấn đề hụt giảm chỉ tiêu BHYT trên địa bàn, ông Quyên nêu rõ một số nguyên nhân, đồng thời gợi ý đến Hội nghị 6 vấn đề cần lưu tâm đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu dẫn các số liệu nêu rõ bức tranh toàn cảnh về kết quả thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Hậu Giang. Hậu Giang với nguồn lực ngân sách mỏng nhưng luôn dốc sức hỗ trợ, chăm lo người dân địa phương, đảm bảo tốt nhất trong khả năng về ASXH với 2 trụ cột BHXH, BHYT là rất quý báu.
Phó Tổng Giám đốc đề nghị ngành Y tế Hậu Giang sớm vượt qua các khó khăn, hóa giải tình trạng hụt thuốc, thiếu VTYT..., tăng cường đáp ứng nhu cầu KCB BHYT của người dân ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở. Yêu cầu BHXH tỉnh và Sở Y tế tỉnh Hậu Giang tăng cường phối hợp trong hoạt động KCB BHYT, làm gia tăng niềm tin nơi người dân tham gia BHYT với hoạt động KCB BHYT tại chỗ, hạn chế thấp nhất việc KCB BHYT ngoại tỉnh; qua đó, mở rộng độ bao phủ BHYT.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam trân trọng cảm ơn tất cả thành viên Ban Chỉ đạo đã đồng hành với BHXH tỉnh Hậu Giang, đồng thời, bày tỏ mong muốn tất cả Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở... ở Hậu Giang tiếp tục cùng cơ quan BHXH tiến về phía trước, chung tay chăm lo ASXH ngày càng phát triển vững bền.
Thanh Giang