Print

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: BHXH các địa phương cần dồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ

Thứ Bảy, 13 /08/2022 16:12

Ngày 13/8, tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác KCB BHYT. Tham dự Hội nghị có đại diện một số đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam và đại diện BHXH 6 địa phương phía Nam: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Áp lực lớn

Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo BHXH các địa phương cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, BHXH các tỉnh, thành đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại trong 5 tháng cuối năm rất lớn, nhất là tại các địa phương như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM, đến cuối tháng 7/2022, trên địa bàn thành phố có 2.410.733 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 89,72% kế hoạch; số còn phải phát triển là 276.000 người. Về BHXH tự nguyện chỉ mới đạt 23,16% kế hoạch; số còn phải phát triển là 96.000 người. Về BHYT có 7.611.819 người tham gia, đạt 88,7% kế hoạch; số còn phải phát triển là 969.000 người...

Bà Lê Thị Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cũng cho biết, đến cuối tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh có 999.999 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 87,98% kế hoạch; còn phải phát triển thêm 136.000 người. Về BHXH tự nguyện mới chỉ có 10.529 người tham gia, đạt 36,67% kế hoạch; số còn phải phát triển trên 18.000 người. Về BHYT có 2.069.546 người tham gia, đạt 84,52% kế hoạch; số còn phải phát triển 379.000 người.

Tại Đồng Nai, ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, đến cuối tháng 7 trên địa bàn tỉnh có 809.680 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 89,3% kế hoạch; số còn phải phát triển là 96.000 người. Về BHXH tự nguyện có 11.368 người, đạt 28,2% kế hoạch; số còn phải phát triển là 29.000 người. Về BHYT có 2.625.253 người, đạt 91,2% kế hoạch; số còn phải phát triển là 253.000 người.

Tại một số địa phương khác như Tiền Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, mặc dù các chỉ tiêu không quá nặng nề, song áp lực cũng không nhỏ. Chẳng hạn, BHXH tỉnh Tiền Giang cần phải phát triển thêm 14.000 người tham gia BHXH bắt buộc, 19.700 người tham gia BHXH tự nguyện và 68.500 người tham gia BHYT. BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần phải phát triển 11.700 người tham gia BHXH bắt buộc, 14.500 người tham gia BHXH tự nguyện và 65.000 người tham gia BHYT...

Ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ phát biểu tại Hội nghị

Trao đổi về một số quy trình nghiệp vụ, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2022, BHXH nhiều địa phương phát triển người tham gia BHXH, BHYT khá tốt. Tuy nhiên, đến tháng 7 và tháng 8, việc phát triển người tham gia có dấu hiệu chựng lại, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ. "Điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ chung của cả nước, nên cần phải có đánh giá, phân tích cụ thể để tìm ra giải pháp khắc phục ngay tình trạng này"- ông Hào lưu ý.

Theo ông Hào, sau cao điểm dịch bệnh, lực lượng lao động ở các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đa phần đã quay lại với công việc và dự kiến có khoảng 550.000 lao động chưa quay trở lại. Sau đó, các địa phương đã phát triển được 350.000 người tham gia- như vậy còn khoảng 200.000 người cần phải phát triển tiếp. "BHXH các địa phương cần phải có phân tích, đánh giá cụ thể đối tượng tiềm năng. Cơ quan BHXH cần phải bám sát DN, mở hội nghị đối thoại với DN, phối hợp với các cơ quan khác để phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Ngoài ra, cần chú trọng phân tích, đánh giá các nhóm tham gia như nhóm BHYT HSSV, nhóm do NSNN đóng, nhóm BHYT hộ gia đình…"- ông Hào nhấn mạnh.

Chủ động tham mưu, tìm nguồn hỗ trợ

Trước những áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH nhiều địa phương đã có sự chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, phối hợp tốt với các ban ngành liên quan trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã được kiện toàn đến tất cả cấp huyện, xã. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh có các chỉ đạo, ban hành Nghị quyết về hỗ trợ mức đóng BHXH, BHYT, như: Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND tỉnh Đồng Nai quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo Nghị quyết này, có 9 nhóm đối tượng (khoảng 220.000 người được thụ hưởng) với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng. "Với sự hỗ trợ này, kỳ vọng tỉnh Đồng Nai sẽ đạt được chỉ tiêu về bao phủ BHYT"- ông Thành chia sẻ.

Ông Võ Khánh Bình- Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại Hội nghị

Trong khi đó, theo ông Võ Khánh Bình- Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang, BHXH tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, BHXH tỉnh Tiền Giang cũng chủ động phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tiền Giang. Theo đó, trong năm 2022, HĐND tỉnh ban hành chỉ tiêu xã hội, bao gồm tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 93% và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH là 29%. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 19/4/2022 về việc giao chỉ tiêu thực hiện phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2022 cho UBND huyện, thành phố, thị xã.

Ngoài ra, BHXH tỉnh Tiền Giang còn tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH, BHYT ngoài mức quy định của Nhà nước. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Tiền Giang hỗ trợ thêm mức đóng BHYT ngoài hỗ trợ của Trung ương. Cụ thể, hỗ trợ hộ cận nghèo 30%; hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình 30%; HSSV 5%. Ngoài ra, hỗ trợ 100% mức phí tham gia BHYT cho lực lượng công an viên, lực lượng dân quân tự vệ thường trực và thân nhân trong giai đoạn 2021-2025...

Ông Phạm Ngọc Sơn- Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngân sách địa phương còn hỗ trợ thêm kinh phí cho một số nhóm người tham gia BHYT ngoài mức quy định của Nhà nước như: Đối tượng cận nghèo được hỗ trợ thêm 30%; hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 100%; HSSV được hỗ trợ thêm 20%. Kinh phí hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT luôn được cơ quan Tài chính trích chuyển kịp thời. Hiện nay, BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH xây dựng đề án trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ mua thẻ BHYT cho trẻ em dưới 16 tuổi (hỗ trợ 100% kinh phí); người từ 69 tuổi đến dưới 80 tuổi (hỗ trợ 100%).

Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn

Thời gian qua, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, BHXH các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, BHXH TP.HCM đã thực hiện khá tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giúp các đơn vị SDLĐ tuân thủ nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ. Tính đến ngày 10/8/2022, BHXH TP.HCM đã ban hành quyết định và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.563 đơn vị (đạt trên 68% kế hoạch).

Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể: Thanh tra chuyên ngành 510 đơn vị SDLĐ; kiểm tra 1.419 đơn vị SDLĐ, 291 đại lý thu; 17 đơn vị trực thuộc, 16 cơ sở KCB; phối hợp thanh tra liên ngành 15 đơn vị SDLĐ; phối hợp kiểm tra liên ngành 90 đơn vị SDLĐ. Việc thanh tra, kiểm tra đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là triển khai thanh tra đột xuất đối với đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Qua thanh tra, số tiền chậm đóng của 408 đơn vị trước khi thanh tra là 117,59 tỷ đồng, số tiền đã khắc phục của 487 đơn vị đã được thanh tra là 52,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 44,85%.

Trong công tác KCB BHYT, đại diện BHXH các địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua đã được giải quyết khá tốt, trong đó có những tồn tại liên quan chi phí KCB BHYT của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… Đơn cử: Năm 2018-2019, TP.HCM được Thủ tướng đồng ý thanh toán 1.800 tỷ đồng và được xác định lại tổng mức thanh toán năm 2019. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, trên địa bàn TP.HCM xảy ra trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế, và BHXH Thành phố đã phát hành nhiều công văn đôn đốc công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Trong tháng 7/2022 có 34 cơ sở KCB xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nên BHXH TP.HCM và Sở Y tế đã nỗ lực phối hợp để giải quyết.

Còn theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có dấu hiệu thiếu thuốc, do kết quả đấu thầu thuốc năm 2021 kéo dài tới 18 tháng (đến cuối năm 2022). Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về chi phí KCB BHYT của các năm trước đang được BHXH tỉnh và Sở Y tế nỗ lực phối hợp giải quyết. Tại Long An gặp vướng mắc trong thanh toán KCB BHYT liên quan việc xã hội hóa máy móc, trang thiết bị mượn tại BVĐK tỉnh, nên BHXH tỉnh đang tích cực tham gia giải quyết vấn đề này. Tại Bình Dương, đến nay việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết cơ bản, song việc xử lý tồn đọng về KCB BHYT các năm trước rất phức tạp do một số BV vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá, vượt công suất giường và một số cơ sở y tế gia tăng chi phí bất thường…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, trong thời gian còn lại của năm 2022, BHXH các địa phương cần quyết tâm triển khai nước rút, toàn hệ thống dồn hết lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần phân tích cụ thể, nhận diện rõ dư địa để phát triển người tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững. "Căn cứ tình hình địa phương, có sự nhận định đánh giá, phân tích. Trong công tác thu, BHXH địa phương cần nhận diện rõ 3 chỉ tiêu tổng thể song hành nhau là chặn nợ, thu nợ và tổng nợ của địa phương phải giảm. Đối với việc phát triển người tham gia BHYT, cần rà soát số HSSV làm sao tiệm cận 100% HSSV tham gia BHYT. Chủ động rà soát, tham mưu cho địa phương chính sách hỗ trợ người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện…"- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu BHXH các địa phương cần nhìn nhận thực tế khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp kịp thời; phải xem xét vì sao 6 tháng đầu năm 2022 phát triển tốt người tham gia BHXH, BHYT, nhưng đến tháng 7, tháng 8 một số nơi có dấu hiệu chững lại trong khi tăng trưởng kinh tế tốt, thu ngân sách và DN thành lập mới nhiều. Đặc biệt, Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các địa phương đẩy mạnh rà soát chi phí KCB BHYT đảm bảo quyết liệt, rõ ràng. "Đối với những bất thường trong chi trả chi phí KCB BHYT phải dừng lại kiểm tra, rà soát ngay để có giải pháp xử lý. BHXH địa phương cũng cần chủ động phối hợp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thuốc, vật tư y tế; nỗ lực cân đối dự toán được giao trong khi đảm bảo quyền lợi người KCB BHYT…"- Tổng Giám đốc lưu ý thêm.

Trần Đức