Print

Một số chất gây nghiện có trong thành phần các thuốc thông thường

Thứ Bảy, 20 /08/2022 11:06

Trong y tế, bắt buộc phải sử dụng một số chất có tác dụng an thần, giảm đau, gây ngủ có thể gây ra tình trang lệ thuộc thuốc nếu bị lạm dụng hoặc sử dụng kéo dài quá quy định. Những thuốc này có quy chế sử dụng đặc biệt có giám sát liều lượng.

Tuy nhiên, có một số chất có trong thành phần các thuốc thông thường cũng có tác dụng gây nghiện như các loại thuốc giảm ho, giảm đau, gây ngủ- nếu không chú ý dễ bị lạm dụng từ phía người bệnh, khi họ thấy dùng thuốc có tác dụng sảng khoái, lâng lâng, tạo cảm giác “phê” thuốc như sử dụng ma tuý tổng hợp. Cụ thể là những chất sau:

Ảnh minh họa

- Dextropropoxyphen:

Đây là thuốc giảm đau dạng Opi có cấu trúc liên quan đến Methadone và được quản lý theo quy chế thuốc gây nghiện. Tuy kém chọn lọc hơn Morphin, nhưng Dextropropoxyphen làm giảm đau và cho các tác dụng khác đến hệ thần kinh trung ương tương tự như các thuốc giống Morphin. Thuốc có tác dụng giảm đau nhẹ và trung bình.

Dextropropoxyphen không có hoặc có ít tác dụng chống ho, nên chủ yếu dùng phối hợp với các thuốc giảm đau có tác dụng chống viêm và hạ sốt khác như với Ibuprofen, Paracetamol để giảm đau. Sự phối hợp này sẽ cho tác dụng giảm đau cao hơn với riêng từng thuốc.

Với liều khuyến cáo, tác dụng có hại (ADR) của Dextropropoxyphen tương tự đối với Codein, nhưng ít gây táo bón hơn và ít tác dụng phụ đối với đường mật hơn. Thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, yếu cơ, an thần, ngủ gà; buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón. ADR thường nhẹ nếu người bệnh không dùng quá liều khuyến cáo và hạn chế uống rượu.

Tuy nhiên, đã có thông báo gây tử vong khi người bệnh sử dụng 10-20 viên thuốc và thường phối hợp với Paracetamol hoặc cùng với rượu. Nó ức chế hệ thần kinh trung ương mạnh, thậm chí gây tử vong do lượng Dextropropoxyphen cao trong huyết tương. Tác dụng gây co giật khi dùng liều cao Dextropropoxyphen tăng lên do thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương.

Một điều đặc biệt nữa cần lưu ý, đó là thuốc này còn làm tăng hiệu lực của các thuốc an thần, thuốc trầm cảm, thuốc chống tâm thần phân liệt, thuốc giảm đau theo kiểu ức chế thần kinh trung ương... Bởi thế, khi phối hợp với các thuốc này rất dễ gây tai biến. Cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp quản lý thuốc thành phẩm chứa Dextropropoxyphen; ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký và không cấp số đăng ký lần đầu và đăng ký lại đối với các thuốc có chứa Dextropropoxyphen. Tuy nhiên, thuốc trôi nổi và hàng xách tay trên thị trường vẫn có thể còn một số biệt dược có thành phần hoạt chất này.

- Codeine:

Đây là dẫn xuất của Opi và được sử dụng làm thuốc chống ho. Codeine ức chế phản xạ ho bằng cách tác động trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não, làm khô đường hô hấp và tăng độ nhớt của dịch tiết phế quản. Hay dùng ở dạng phối hợp với Terpin có tác dụng làm tăng trực tiếp sự tiết dịch của phế quản và được sử dụng làm chất long đờm.

Thuốc này khá phổ biến và rẻ tiền; tuy nhiên chống chỉ định khi người bệnh mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc. Những người suy hô hấp, ho do hen suyễn cũng không được dùng thuốc này. Trẻ em dưới 18 tuổi vừa thực hiện cắt amiđan và/hoặc thủ thuật nạo VA, trẻ em dưới 30 tháng tuổi hoặc có tiền sử động kinh hoặc co giật do sốt cao tuyệt đối không được dùng. Những ADR được cảnh báo là khả năng gây táo bón, buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, co thắt phế quản, dị ứng da, ức chế hô hấp (hiếm và nhẹ).

Codeine chỉ nên được sử dụng ở liều thấp nhất mà có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất. Do nguy cơ suy hô hấp, chỉ sử dụng các thuốc chứa Codeine để giảm đau cấp tính ở mức độ trung bình cho trẻ em trên 12 tuổi, khi các thuốc giảm đau khác như Paracetamol và Ibuprofen không có hiệu quả. Không uống rượu hoặc thức uống có cồn vì làm tăng tác dụng an thần của thuốc. Thuốc gây buồn ngủ, chú ý khi dùng cho người lái xe hoặc vận hành máy.

Cần thận trọng trong trường hợp tăng áp lực nội sọ. Thận trọng khi dùng Terpin- Codein với các thuốc chống trầm cảm tác dụng lên thần kinh trung ương vì gây tăng trầm cảm. Không kết hợp với các thuốc ho (làm khô đàm hoặc làm long, loãng đàm) khác. Nếu trường hợp quá liều xảy ra, đề nghị đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có phương pháp xử lý.

Ở một số nơi, con nghiện đã dùng loại thuốc có Codein để tự chế thành “ma túy”. Họ mua khoảng 20 viên Di-Algesic có Codein trong thành phần rồi lột vỏ thuốc, tháo viên con nhộng ra, cho bột thuốc vào nước lọc, dùng bơm tiêm hút lấy dung dịch này qua một đầu lọc thuốc lá, thế là có một thứ gọi là ma túy để tiêm vào tĩnh mạch tìm cảm giác “lâng lâng” do phê thuốc. Đã có trường hợp tử vong do cách dùng thuốc liều lĩnh như vậy.

- Dextromethorphan:

Là dẫn xuất của Morphin, có tác dụng chống ho bằng cách ức chế trung tâm ho ở hành tủy. Chất này tuy ít gây nghiện hơn Heroin, Morphin, ma túy tổng hợp (thuốc lắc), nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc. Dù chất này không gây ra tình trạng nghiện vật vã như ma túy, nhưng chúng khiến người uống bị lệ thuộc, tinh thần lơ mơ, giảm ý thức. Người uống thuốc luôn có cảm giác thèm và nhớ đến cảm giác “phê” của thuốc.

Việc lạm dụng các chất gây nghiện trong thành phần của các thuốc thông thường được mua, bán dễ dàng nếu không được ngăn chặn sẽ xảy ra những tai biến rất nguy hiểm, thậm chí chết người. Điều này thường xảy ra ở các đối tượng sử dụng thuốc không nhằm mục đích chữa bệnh. Thực chất là họ đã lợi dụng các thành phần (mặc dù có hàm lượng rất nhỏ) cho các mục đích khác như là một chất ma túy để đã cơn nghiện. Do đó, cần có sự quản lý chặt chẽ với các thuốc đó để thuốc chữa bệnh không bị lạm dụng, gây nguy hiểm cho sức khoẻ người dân và an ninh cộng đồng.

ThS.Lê Quốc Thịnh