Print

Cần xây dựng hệ thống giám sát và quản lý thuốc, dịch vụ y tế

Thứ Năm, 08 /09/2022 16:12

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do bà Socorro Escalante- Quyền Trưởng Đại diện kiêm Điều phối viên Nhóm Phát triển hệ thống y tế của WHO làm Trưởng đoàn, về vấn đề danh mục thuốc BHYT và cơ chế mua sắm thuốc. Tham dự buổi làm việc có đại diện một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho biết, danh mục thuốc BHYT và cơ chế mua sắm thuốc là những vấn đề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và BHXH Việt Nam đang rất quan tâm trong thời gian vừa qua. “Chúng tôi đang rất cần các mô hình, kinh nghiệm về việc quản lý tài chính y tế, gồm cả thu và chi tại BV công. Điều này rất cần minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tính bền vững của quỹ BHYT”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn trao đổi với Đoàn công tác WHO 

Đánh giá của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện nay danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT tại Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều trị, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT được tiếp cận được các thuốc mới phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, giải quyết được các vướng mắc trong thanh toán thuốc BHYT.

Theo các văn bản quy định về việc phân loại dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật, hiện có trên 19.000 dịch vụ kỹ thuật được Bộ Y tế quy định cho phép thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 9.190 dịch vụ đủ điều kiện được thanh toán theo chế độ BHYT, trong đó mới có 124 dịch vụ/nhóm dịch vụ được quy định điều kiện tỷ lệ thanh toán.

Mặt khác, thời gian qua, BHXH Việt Nam ghi nhận có tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại nhiều địa phương, cơ sở y tế. Nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động…

Bà Socorro Escalante (giữa) đưa ra khuyến cáo cho BHXH Việt Nam

Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Socorro Escalante cho rằng, nếu quỹ BHYT chi lớn mà không hiệu quả, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người bệnh, quỹ BHYT và cho cả hệ thống cơ sở KCB. Theo bà Socorro Escalante, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hầu hết các BV công sẽ chuyển sang tự chủ tài chính- điều này giúp BV và người bệnh có cơ hội được phát triển và hưởng thụ các dịch vụ y tế tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là con dao hai lưỡi nếu BV không được giám sát và điều hành đúng.

Cũng theo bà Socorro Escalante, dịch vụ y tế là lĩnh vực đặc thù riêng, một số chi phí phụ thuộc vào cam kết giữa bên cung ứng là BV và người bệnh. Do đó, cơ quan BHXH cần phải có phương pháp quản lý riêng, cần xây dựng các nguyên tắc rõ ràng, minh bạch và phải có một hệ thống giám sát để phát hiện sai phạm kịp thời. “Vai trò này của BHXH Việt Nam là rất quan trọng, bởi chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được giá dịch vụ công phù hợp cho các BV”- bà Socorro Escalante nêu rõ.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia của WHO cũng đưa ra một số khuyến cáo cho BHXH Việt Nam như: Khi đàm phán giá thuốc cần sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau; trong quá trình thực hiện cần xây dựng được tiêu chí đàm phán giá, để từ đó đưa ra phương án hợp lý nhất; trong quá trình từ khi xây dựng cho đến ứng dụng danh mục thuốc cần đánh giá liên tục tính hiệu quả để có sự điều chỉnh hợp lý. 

Bên cạnh đó, theo đại diện WHO, BHXH Việt Nam có thể tham khảo giá thuốc trên hệ thống giám sát giá thuốc của khu vực Thái Bình Dương, trao đổi quản lý giá thuốc giữa các nước ASEAN để tạo tính đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục tiến hành giám sát nghiên cứu tỷ lệ tiêu thụ sử dụng thuốc, bởi đây không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, mà còn liên quan đến việc thuốc có an toàn, hợp lý hay không…

Thanh Hằng