Phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam: Hướng tới kinh tế xanh và bền vững
Sáng 15/9, tại TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Phát triển Khu công nghiệp sinh thái Việt Nam- Chính sách và giải phát thực hiện.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hội thảo Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam- Chính sách và giải pháp thực hiện do Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức Công nghiệp LHQ (UNIDO) tổ chức, là một sự kiện hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam cũng như toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của 10 năm tới, thể hiện trong cơ chế, chính sách mới ban hành hoặc phê duyệt gần gây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Nghị định số 35 về quản lý KCN, KKT, trong đó quy định về mô hình KCN sinh thái; Đề án phát triển Kinh tế tuần hoàn tại VN… đã thể hiện khát vọng của Việt Nam hướng tới một quốc gia phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các KCN, KKT đã được ghi nhận vai trò to lớn trong các thành tựu phát triển KT-XH của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu nhập, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới công nghệ, thúc đẩy hội nhập, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng ấy, các KCN, KKT cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam cũng đối diện với không ít thách thức. Việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế… Do vậy, việc phát triển KCN, KKT cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0.
“Đây mới chỉ là bước khởi đầu, nhưng vô cùng quan trọng, mở ra cho một chu kỳ phát triển mới của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 và các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN, KKT là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Lợi ích này là to lớn và lâu dài, nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi”- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Hội thảo về chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái trong Nghị định 35 của Chính phủ cũng như định hướng xây dựng dự thảo Thông tư, đại diện Ban Quản lý Dự án cho rằng, các tiêu chí KCN sinh thái đặt ra đối với các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN là phải chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật và các cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra, có báo cáo định kỳ về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, giảm phát thải. Đối với các DN trong KCN, ngoài việc tuân thủ pháp luật, thì tối thiểu 20% DN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đồng thời ít nhất một cộng sinh công nghiệp.
“Riêng KCN, diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tần xã hội dùng chung trong KCN đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN. Song đó, các KCN còn phải có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa- thể thao cho NLĐ làm việc trong KCN…” - đại diện Ban Quản lý Dự án cho biết thêm tại Hội thảo.
Lên quan về việc sử dụng hạ tầng, các văn bản quy định cụ thể về tiêu chuẩn việc tái chất thải… của DN, trong quá trình chuyển đổi mô hình KCN sinh thái mà Ban Quản lý các KCN trên cả nước nêu, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Bộ TN&MT) cho biết: “Đây là một trong những vấn đề mà các DN, các công ty về hạ tầng đang gặp khó khăn, tuy nhiên các quy định mới về chất thải cũng được Bộ TN&MT triển khai, mở rộng để tạo điều kiện tốt nhất cho các KCN. “Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các KCN, KKT, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đưa ra danh mục các loại chất thải cụ thể như: chất thải thường, chất thải nguy hại, chất thải tái sử dụng… và từ đó sẽ áp dụng các quy định cho phù hợp”- Vụ Quản lý chất thải cho biết thêm.
Về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái tại Việt Nam tại Hội thảo, ông Werner Bardill- Tổng Lãnh sự Thụy Sỹ tại TP.HCM cho rằng, ở cấp độ KCN và DN, chúng tôi nhận thấy nhiều DN đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; hy vọng ngày càng có nhiều KCN tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh/thành phố gồm: TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Đăng Khoa