Nguy cơ lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD)- Mạng lưới Một Sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) tổ chức Hội thảo khoa học Sử dụng kháng sinh thận trọng cho động vật: Thay đổi vì một nền nông nghiệp bền vững.
Đây là Hội thảo thứ hai nằm trong chuỗi Hội thảo về sử dụng kháng sinh do Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (IEHSD) tổ chức, nhằm cập nhật các cơ chế chính sách, hiện trạng sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Đồng thời đóng góp những giải pháp có tính khả thi cao, tạo cơ sở cho các cơ quan chức năng ban hành quy định về quản lý và sử dụng kháng sinh hiệu quả tại Việt Nam.
TS.Phạm Đức Phúc- Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững, điều phối viên mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam cho biết: Mặc dù kháng sinh được sử dụng phổ biến trong ngành chăn nuôi nhằm duy trì sức khỏe vật nuôi, góp phần bảo vệ nguồn sinh kế và sự bền vững của ngành chăn nuôi, nhưng việc sử dụng không hợp lý, thiếu trách nhiệm mang đến nhiều rủi ro như tạo ra vi khuẩn nhờn thuốc, tạo tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tình trạng kháng kháng sinh làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho con người, vật nuôi là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
Hiện nay, các cơ chế kháng thuốc mới đang xuất hiện, sự di chuyển của con người và giao thương hàng hóa quốc tế thuận lợi là một trong những nguyên nhân làm lan truyền và gia tăng vi sinh vật kháng kháng sinh trên toàn thế giới. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào khoảng năm 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần suất rằng cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc gây nên, lớn hơn số bệnh nhân ung thư hiện nay. Hiện tượng kháng kháng sinh dẫn đến việc điều trị các bệnh truyền nhiễm thông thường không hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị, tăng tỷ lệ thương tật, thậm chí tử vong. Vi sinh vật kháng kháng sinh làm ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm làm ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe và đời sống của người dân.
Từ năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020 hưởng ứng kêu gọi của WHO. Căn cứ vào đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020; tiếp tục xây dựng tương tự cho giai đoạn 2021-2025 để thực hiện nhiệm vụ phòng chống kháng kháng sinh trong nông nghiệp. Bản Kế hoạch mới có sự điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn đã đưa ra trong Kế hoạch trước, nhằm giảm thiểu nguy cơ về kháng kháng sinh cho cộng đồng thông qua việc quản lý sử dụng kháng sinh và kiểm soát kháng kháng sinh trong nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay tình trạng kháng kháng sinh vẫn đang là vấn đề nhức nhối với Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS.Võ Trọng Thành- Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “An toàn sinh học còn hạn chế, phòng, chống dịch bệnh chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến sự phát triển không bền vững. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của ngành chăn nuôi. Hao hụt do dịch bệnh là nguyên nhân chính gây biến động tổng đàn, sản lượng thực thực phẩm mất cân đối cung cầu, giảm lợi nhuận và ảnh hưởng sinh kế của người chăn nuôi”. Theo TS.Võ Trọng Thành, một số giải pháp trong chăn nuôi không sử dụng kháng sinh có thể được áp dụng tại Việt Nam để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh. Theo đó, ngoài việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nguyên liệu thức ăn chất lượng tốt thì việc sử dụng các chất thay thế kháng sinh, phòng bệnh cần được ưu tiên như sử dụng vắc-xin phòng bệnh và các chất cải thiện sức khỏe đường ruột vật nuôi: probiotic, prebiotic, enzyme, acid hữu cơ, chiết xuất thảo dược, sản phẩm lên men…
Thái An