Bà Rịa-Vũng Tàu: Điểm đến ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản
Thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện đang có 30 dự án của các DN Nhật Bản hoạt động kinh doanh ổn định trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Ngọc Khánh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay toàn tỉnh có 37 dự án FDI của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư khoảng 3,3 tỷ USD, trong đó có 30 dự án đang hoạt động kinh doanh ổn định. Các dự án này tập trung nhiều nhất tại KCN Phú Mỹ I và KCN Phú Mỹ 3. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn là quốc gia đứng thứ 5 trong số các quốc gia có vốn đầu tư lớn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
NLĐ trong các DN Nhật Bản ở Bà Rịa-Vũng Tàu được đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT
Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều tập đoàn và các công ty có thương hiệu lớn đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là địa điểm đầu tư như: Vinakyoei, Nippon, Asahi, Mitsubishi, Daichi, Sojitz, Sumitomo, Marubeni, Nitori… Các dự án đầu tư của DN Nhật Bản vào các KCN đã góp phần tạo nên diện mạo nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, tập trung chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: Thép, khí gas; tái chế nhôm, bột nhôm; sản xuất giấy, nhựa, đồ gỗ, đồ nội thất và ngoại thất.
Đơn cử, tại KCN Phú Mỹ 3 hiện có 12 nhà đầu tư Nhật Bản, trong đó có 6 dự án đã đi vào hoạt động ổn định gồm: DN Chế xuất Nitori Việt Nam- Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tâm Logistics Phú Mỹ 3, Công ty CP Gas Việt Nhật, Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard &Packaging, Công ty TNHH Việt Nhật Shirogane Logistics và Công ty Năng lượng Sojitz Osaka Gas.
Ngoài ra, trong tháng 8/2020, Công ty Hanacans- thuộc Tập đoàn Showa Denko của Nhật Bản, cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy mới tại KCN Mỹ Xuân B1- Tiến Hùng (TX.Phú Mỹ), với công suất thiết kế lên tới 1,3 tỷ vỏ lon nhôm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 64 triệu USD. Các DN này đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, cũng như thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ.
Trao đổi với phóng viên, ông Tsuyoshi Okamura- Tổng Giám đốc Công ty Nitori cho rằng: “Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có môi trường đầu tư tương đối thông thoáng. Đây cũng là nơi có ngành công nghiệp phát triển rất thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào; đồng thời lại gần các cảng biển nước sâu như Cái Mép, và tới đây có sân bay quốc tế Long Thành. Các KCN hoàn chỉnh và gần với TP.HCM, nên rất thuận lợi cho việc xuất nhập hàng hóa cũng như đầu tư, kinh doanh".
Ông Isawa Hyroyuki- Trưởng nhóm Hiệp Hội DN Nhật Bản tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng thông tin thêm, khảo sát mới đây cho thấy, có hơn 40% DN ghi nhận chọn đến Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ chọn Bà Rịa-Vũng Tàu. Các nhà đầu tư Nhật Bản chọn Bà Rịa-Vũng Tàu vì các KCN có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, sánh tầm khu vực. Đặc biệt, địa phương có những lợi thế phát triển công nghiệp, tạo nên sự khác biệt mà các tỉnh, thành phố khác không có.
“Trước hết là vị trí địa lý thuận lợi với hệ thống đường giao thông, cảng nước sâu và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gần trung tâm kinh tế TP.HCM. Thứ hai, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tập trung phát triển công nghiệp nặng để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Đây là yếu tố quan trọng để Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển công nghiệp hơn nữa trong thời gian tới, vì “trái tim” của phát triển công nghiệp chính là phát triển cơ sở hạ tầng”- ông Isawa Hyroyuki chia sẻ.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 DN Nhật Bản đang tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ, trong đó có nhiều DN sử dụng đông lao động và tham gia rất tốt như: DN Chế xuất Nitori Việt Nam- Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép, Công ty TNHH Liên doanh Ống thép Sendo, Công ty TNHH Thép VINAKYOEI… “Hầu hết các DN Nhật Bản đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Các DN nợ đọng, chây ỳ đóng BHXH, BHYT thường rơi vào nhóm DN vừa và nhỏ”- bà Hạnh chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khẳng định, chính quyền tỉnh luôn xác định Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược. Do đó, tỉnh đã và đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa TTHC... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư. Đặc biệt, tỉnh luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Nhật Bản đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Phạm Thọ