Cảnh báo từ những ca ngộ độc Paracetamol do tự tử bằng thuốc có sẵn trong nhà
Paracetamol (N-acetyl-p-aminophenol) còn có tên khác là Acetaminophen, là thuốc khá an toàn để điều trị giảm đau hạ sốt. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc Paracetamol hiện nay lại có xu hướng tăng lên, do loại thuốc này quá phổ biến trong cộng đồng. Trong thực tế, nhiều trường hợp ngộ độc do dùng 2 hay 3 loại thuốc có tên khác nhau, nhưng đều chứa hoạt chất Paracetamol. Cũng có nhiều trường hợp dùng Paracetamol để tự sát, do đây là loại thuốc sẵn có nhất và dễ mua nhất mà không cần đơn.
Cần nhắc lại, tuy Paracetamol là thuốc hàng đầu hiện nay được sử dụng để giảm đau hạ sốt, nhưng điều đó không có nghĩa nó là loại thuốc tuyệt đối an toàn như nhiều người nghĩ. Dùng liều cao liên tục Paracetamol gây nguy cơ nhiễm độc gan, độc với thận. Tuy hiếm gặp, nhưng thuốc này cũng có thể gây phản ứng quá mẫn. Thuốc không được dùng cho người bị suy gan nặng, bị bệnh tim, phổi, thận, người thiếu hụt G6DP.
Thuốc này cũng rất hay được đưa ra thị trường với dạng bào chế phối hợp với một số chất kháng Histamin, chất chống dị ứng, giảm ho mà nhân dân hay gọi là thuốc cảm như các biệt dược Tiffi, Decolgen, Pamin, Acemol... Những thuốc phối hợp như vậy không dùng cho người có tiền sử bị bệnh tim mạch, cao huyết áp. Một điều nữa cũng nên lưu ý, đó là Paracetamol có tên khác là Acetaminophen và một số dạng bào chế ghi tên này, nên rất nhiều người, kể cả giới chuyên môn, vẫn nhầm tưởng là 2 hoạt chất khác nhau nên đã phối hợp khi sử dụng. Điều này rất nguy hiểm và dễ gây ngộ độc do quá liều Paracetamol.
Có BV đã từng tiếp nhận những ca cấp cứu là các cháu học sinh tuổi mới lớn, trong tình trạng lừ đừ, chóng mặt, nôn ói, bị vàng da và mắt cũng bị vàng. Mẹ cháu cho biết, cách thời điểm nhập viện 2 ngày, cháu đang trong lớp học thì bị buồn nôn, đau bụng mệt nhiều và xỉu phải đưa vào BV địa phương truyền dịch. Đến chiều, mẹ thấy cháu tỉnh lại, có vẻ khỏe nên xin về nhà. Ngày hôm sau, cháu thấy da và mắt đều bị vàng, mệt nhiều nên mới nói cho mẹ biết mình đã uống 20 viên thuốc từ buổi tối 2 ngày trước đó, loại thuốc hạ sốt viên 500mg thường mua cho mẹ. Do đó, người nhà đưa ngay cháu đến BV địa phương điều trị, sau đó chuyển đến BV Nhi.
Khám bệnh và làm xét nghiệm cho kết quả cháu bị ngộ độc Paracetamol gây tổn thương gan cấp, phải dùng ngay thuốc N-acetyl Cystein để giải độc và truyền dịch để tăng thải độc chất. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh mới cải thiện dần. Lúc này cháu mới cho biết động cơ uống thuốc là vì nghi ngờ cô bạn thân có người yêu và sợ bạn bỏ mình. Do tổn thương ở gan vẫn còn, nên cháu vẫn được tiếp tục theo dõi sau khi xuất viện.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (học sinh 15 tuổi) đã dùng loại thuốc Paracetamol để tự tử do bị cha mẹ la mắng. Bệnh nhân được đưa đến BV trong tình trạng lừ đừ, chóng mặt, mệt, mạch nhanh, huyết áp trong giới hạn bình thường. Người nhà của bệnh nhân cho biết, cách thời điểm nhập viện khoảng 3 giờ, em này đã uống khoảng 24 viên thuốc Tylenol 500mg (biệt dược của Paracetamol). Người nhà phát hiện và lập tức đưa em đến BV. Tại Khoa Cấp cứu, em được rửa dạ dày, truyền dịch và dùng N-acetyl Cystein để giải độc thuốc Paracetamol Kết quả, sau 4 ngày điều trị, tình trạng của em cải thiện dần và tỉnh táo.
Paracetamol là loại thuốc giảm đau, hạ sốt được bán tự do không cần đơn, nên rất phổ biến trong cộng đồng. Nhiều người thường dự trữ trong nhà loại thuốc này để dùng khi chẳng may cảm sốt, đau mỏi... Đây là loại thuốc giảm đau hạ sốt được coi là hiệu quả và an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải tuân thủ về liều lượng được khuyến cáo để tránh xảy ra ngộ độc do quá liều. Bên cạnh đó, việc bảo quản thuốc cũng cần thận trọng, nhất là đối với trẻ em.
Paracetamol gây độc với gan nếu dùng vượt quá liều lượng cho phép. Thuốc này có rất nhiều tên biệt dược khác nhau, nên cần chú ý chỉ dùng một loại và xem kỹ hàm lượng phù hợp với từng lứa tuổi. Không dùng đồng thời nhiều loại thuốc có tên khác nhau nhưng đều có chứa hoạt chất Paracetamol.
ThS.Lê Quốc Thịnh