Print

Có thuốc mới thay thế Metformin cho bệnh nhân đái tháo đường typ 2 hay không?

Thứ Hai, 24 /10/2022 09:32

Đái tháo đường type 2 là bệnh lý mạn tính làm rối loạn chuyển hóa glucose, suy giảm chức năng tế bào beta của tuyến tụy và kháng insulin. Tăng glucose trong một thời gian dài sẽ gây ra những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipid, tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là tim, gan, thận, mắt, thần kinh.

Bệnh đái tháo đường type 2 có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không chỉ với những người lớn tuổi, mà còn gặp ở những người trẻ có lối sống không lành mạnh. Trong giai đoạn đầu, bệnh thường chỉ biểu hiện các triệu chứng mơ hồ. Hầu hết mọi người chỉ nhận biết mình bị đái tháo đường khi đã xuất hiện các biến chứng. Đây là căn bệnh mãn tính, người mắc phải chung sống với nó suốt đời. Chính vì thế, kỳ vọng vào việc sử dụng các thuốc mới có hiệu quả với chi phí hợp lý luôn luôn là mong đợi của cả bệnh nhân và thầy thuốc.

Mặc dù hầu hết các hướng dẫn điều trị đều khuyến cáo Metformin là liệu pháp đầu tay trong điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type 2, nhưng hiện nay một số chuyên gia y tế đã ủng hộ việc khởi đầu điều trị với các thuốc mới như là các thuốc ức chế thụ thể SGLT-2 và các thuốc đồng vận GLP-1. Trong phân tích chi phí và hiệu quả liên quan đến điều trị, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, ngẫu nhiên có đối chứng trên một cơ sở dữ liệu lớn bệnh nhân, nhằm ước tính tuổi thọ trung bình cũng như chi phí điều trị nếu bệnh nhân sử dụng các thuốc đái tháo đường mới như thuốc ức chế SGLT-2 hoặc thuốc đồng vận GLP-1 như liệu pháp điều trị đầu tay thay vì Metformin.

Việc khởi đầu điều trị với thuốc ức chế SGLT-2 hoặc thuốc đồng vận GLP-1 có liên quan đến giảm 5% tỷ lệ biến chứng mạch máu lớn (suy tim, bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, hoặc đột quỵ) so với sử dụng Metformin. Đồng thời, các thuốc mới này được ghi nhận làm tăng tuổi thọ trung bình khoảng 3 tháng.

Tuy nhiên, so với Metformin, các thuốc ức chế SGLT-2 và các thuốc đồng vận GLP-1 đường uống này có chi phí lần lượt lên tới hơn 500 và 800 ngàn đô la trên mỗi QALY đạt được. Chỉ số QALY là số năm sống điều chỉnh theo chất lượng cuộc sống- bằng tích hệ số chất lượng sống nhân số năm sống. Lưu ý rằng, thuốc đồng vận GLP-1 đường tiêm có thể kém hiệu quả hơn Metformin, chủ yếu do giảm chất lượng cuộc sống liên quan đến sử dụng thuốc đường tiêm.

Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT-2) là nhóm thuốc mới nhất được sử dụng để điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Từ năm 2008, để tránh những lo ngại liên quan đến việc gia tăng nguy cơ tim mạch với các thuốc điều trị đái tháo đường, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã yêu cầu các thuốc điều trị đái tháo đường mới cần có thử nghiệm lâm sàng chứng minh tính an toàn trên tim mạch. Các thử nghiệm được thiết kế không thua kém, khi đã đạt ngưỡng không thua kém, có thể đánh giá vượt trội (chứng minh lợi ích trên tim mạch).

Trong đó, 3 thử nghiệm lâm sàng với các thuốc SGLT-2 là Empagliflozin, Canagliflozin và Dapagliflozin đã bất ngờ cho thấy, SGLT-2 giảm biến cố tim mạch có thể do cải thiện kết cục trên suy tim. Hiện tại, phác đồ chẩn đoán và điều trị suy tim của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu từ năm 2021 đã khuyến cáo sử dụng Dapagliflozin hoặc Empagliflozin cho bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm bất kể tình trạng đái tháo đường. Vì vậy, Dapagliflozin và Empagliflozin được khuyến cáo bổ sung vào liệu pháp điều trị và nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên môn, tuy vẫn e ngại về chi phí điều trị cao.

Hiện nay, chi phí sử dụng các thuốc ức chế SGLT-2 và thuốc đồng vận GLP-1 đang rất cao, cần giảm 80% để các thuốc này có thể trở thành liệu pháp điều trị đầu tay cho bệnh đái tháo đường type 2, với khả năng sẵn sàng chi trả là 150 ngàn USD/1 QALY đạt được. Vì vậy, cho đến khi chi phí điều trị của các thuốc này giảm xuống, Metformin vẫn nên giữ là liệu pháp điều trị đầu tay cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 mới chẩn đoán, trừ khi bệnh nhân có bệnh suy tim.

Các chế phẩm SGLT-2 lưu hành tại Việt Nam hiện nay, Bộ Y tế chỉ cấp phép cho điều trị ĐTĐ type 2, chứ chưa cấp phép cho điều trị suy tim phân suất tống máu giảm không mắc kèm bệnh đái tháo đường (cập nhật đến tháng 3/2022). Nên thông tin về việc sử dụng SGLT-2 trong điều trị suy tim phân suất tống máu giảm có thể tham khảo trong tờ thông tin sản phẩm nước ngoài đã được phê duyệt cho chỉ định này.

ThS.Lê Quốc Thịnh