Print

Cộng đồng rất quan tâm đến BHYT HSSV

Thứ Tư, 09 /11/2022 15:21

Trước sự quan tâm của dư luận đối với vấn đề BHYT học đường, Báo Tuổi Trẻ đã mời BHXH TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM cùng thực hiện Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề HSSV tham gia BHYT: Trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh và HS.

Trong Chương trình Giao lưu trực tuyến có thời lượng 120 phút, đại diện BHXH TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM đã trả lời khoảng 50 câu hỏi xoay quanh những quy định hiện hành về BHYT HSSV, quyền lợi KCB BHYT khi HSSV tham gia tại nhà trường, một số vấn đề liên quan đến chuyển nơi đăng ký KCB ban đầu, cấp lại thẻ BHYT do đánh mất...

Đại diện BHXH và Sở GD-ĐT TP.HCM giao lưu trực tuyến

Đáng chú ý, không ít bạn đọc đặt câu hỏi về việc triển khai BHYT HSSV tại các trường. “Thu BHYT tại sao lại đẩy sang cho ngành giáo dục thưa bà? Theo tôi ngành giáo dục đang làm không đúng nhiệm vụ phải không?”- bạn đọc có nick Tuấn Tú đặt câu hỏi.

“Theo quy định Luật BHYT, danh sách tham gia BHYT của các đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH quản lý, do các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề lập. Theo định của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của đối tượng thuộc phạm vi quản lý...”- bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng QL Thu (BHXH TP.HCM) hồi đáp.

Đại diện BHXH TPHCM tham gia Chương trình

“Học sinh mua bảo hiểm tư nhân rồi thì có được tính đã có BHYT không?”- bạn đọc Lê Thị Thanh Nga thắc mắc. Theo bà Trịnh Thị Thêu- Phó Trưởng phòng Phòng Giám định BHYT 1 (BHXH TP.HCM), BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật. Do đó, học sinh tham gia bảo hiểm tư nhân không được tính là đã có BHYT.

Bạn đọc Phan Nhã hỏi đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM: “Vai trò của giáo viên là giảng dạy, tại sao lại phải làm công việc thu hộ? Các cấp quản lý giáo dục nghĩ sao về việc này?”. Ông Trịnh Duy Trọng- Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT) nêu rõ: Thầy cô trực tiếp thu tiền sẽ có nhiều vấn đề không hay phát sinh. Chính vì vậy, Sở đã chỉ đạo các nhà trường không để thầy cô thu các khoản tiền, trong đó có tiền tham gia BYHT. Nếu Hiệu trưởng nhà trường vẫn đang giao quý thầy cô thu tiền là chưa thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Sở.

“Ngoài ra, quý thầy cô cũng lưu ý, chúng ta không trực tiếp thu tiền BHYT của học sinh nhưng vẫn tham gia trực tiếp vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục học sinh về tính nhân văn của BHYT, tham gia BHYT không chỉ là một giải pháp để tự bảo vệ, chăm lo cho bản thân mà HSSV còn đang tham gia thực hiện một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, đang thực hiện các quy định của pháp luật”- ông Trọng hồi đáp thêm.

Sở dĩ dư luận quan tâm nhiều đến vấn đề này, do trước đó đã có vụ việc không hay xảy ra ở một trường Tiểu học thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thực tế trên địa bàn TP.HCM, hầu như mạng lưới cơ sở giáo dục đều tách bạch vấn đề thu các loại phí nơi học đường thông qua bộ phận tài chính-kế toán, mà không “dính” đến giáo viên, trong đó có phí tham gia BHYT học đường.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, từ nhà trường cho đến bệnh viện, những đơn vị đang cung ứng dịch vụ công và liên quan đến ASXH, vấn đề thu phí là khó tránh khỏi. Câu chuyện nằm ở chỗ phải thu phí đúng quy định theo pháp luật và tổ chức thu hợp lý, khoa học. Cơ sở giáo dục nào cũng có bộ phận tài chính-kế toán nên việc thu phí các loại theo quy định, phải để bộ phận này thực hiện.

Chương trình Giao lưu trực tuyến HSSV tham gia BHYT: Trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh và HS đã giải đáp một số vấn đề “nóng” liên quan mật thiết đến chủ đề. Những câu hỏi đặt ra không chỉ thực tế đối với phụ huynh, còn đi khá sâu vào nghiệp vụ. Điều này chứng tỏ, trải qua thời gian dài thực hiện nhiệm vụ bao phủ BHYT toàn dân, tới nay, BHYT đã thực sự chạm đến cuộc sống từng người dân.

Thanh Giang