Print

Giáo dục hướng đến giảm nghèo ở Na Uy

Thứ Năm, 10 /11/2022 11:01

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nghèo của Na Uy ở mức xấp xỉ 13% vào năm 2019, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4% (số liệu năm 2021). Thực hiện cam kết xóa đói giảm nghèo, Na Uy ưu tiên giáo dục, coi đây là “chìa khóa” để duy trì tỷ lệ NLĐ có việc làm cao. Năm 2018, Na Uy chi 7,6% GDP cho giáo dục, vượt mức phân bổ được khuyến nghị là 4- 6%.

Giáo dục ở Na Uy được Nhà nước hỗ trợ. Học sinh ở Na Uy trải qua 3 cấp học trước khi lên Đại học, bao gồm Tiểu học (6-13 tuổi), THCS (13-16 tuổi) và THPT (16-19 tuổi). Tiểu học và THCS là bắt buộc và THPT là “quyền theo Luật định”. Theo thống kê, từ năm 2019, khoảng 80% người Na Uy hoàn thành chương trình THPT, cao hơn so với mức trung bình của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tùy theo lựa chọn, ở Na Uy, có các hình thức học tập khác nhau cho những đối tượng khác nhau, tùy thuộc vào nền tảng và nhu cầu của mỗi người:

- Người từ 25 tuổi trở lên có quyền học hết THPT, hoặc học nghề với chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu của họ. Ngoài ra, người nhập cư được cung cấp các khóa học về xã hội học và ngôn ngữ Na Uy. Theo OECD, từ năm 2004, Na Uy là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tham gia đào tạo nghề cao nhất EU.

- Na Uy có trường dành cho người muốn tập trung vào một môn học cụ thể nào đó để hỗ trợ công việc thực tế. Chương trình học không có bài kiểm tra, giáo viên không cho điểm. Học viên đủ điều kiện theo học trường kiểu này sau khi hoàn thành chương trình THCS. Tuy nhiên, học viên bắt buộc phải trả tiền ăn, ở và mua đồ dùng học tập phục vụ chương trình học.

- Na Uy có một chương trình bổ túc trình độ chuyên môn, kéo dài khoảng 2 năm, bắt đầu được áp dụng từ năm 2007 và vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, giúp xây dựng và củng cố kỹ năng nghề cho đối tượng “có nguy cơ thất nghiệp kéo dài”. Bên cạnh chương trình học, học viên đủ điều kiện có thể nhận được phúc lợi, hỗ trợ tài chính, kỳ nghỉ và hỗ trợ chăm sóc trẻ em.

Theo nghiên cứu, một quốc gia mà dân số có trình độ học vấn cao thì khả năng nghèo đói giảm bớt. Bởi khi đã có nền tảng học vấn cơ bản, người ta có thể tập trung nghiên cứu những lĩnh vực là thế mạnh, sở trường; từ đó, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như các kỹ năng trong công việc và trực tiếp cải thiện khả năng tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Na Uy cũng đang làm tốt việc thu hẹp khoảng cách giới, đảm bảo trẻ em gái, lao động nữ, phụ nữ được tiếp cận công bằng với giáo dục, nhờ vậy tạo ra một lực lượng lao động và thị trường lao động đa dạng. Để giải thích thêm về việc này, bà Ingunn Jakobsen, một giáo viên trung học với 40 năm kinh nghiệm, cho biết: Hằng năm, các trường Trung học thường đánh giá sự tiến bộ của họ trong việc cung cấp cơ hội bình đẳng cho tất cả các nhóm kinh tế- xã hội. Các Nhà trường sau đó “căn cứ số liệu thống kê, để có giải pháp hỗ trợ về tài chính và cơ hội học tập cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Bởi khi giáo dục được tiếp cận với người nghèo, sẽ “phá vỡ” chu kỳ đói nghèo theo thế hệ bằng cách mở ra các cơ hội việc làm lớn hơn. Ngoài ra, học các kỹ năng như đọc, viết và toán học sẽ làm tăng đáng kể thu nhập của các nhóm yếu thế, từ đó góp phần củng cố nền kinh tế.

Tùng Anh (Theo OECD)