Print

Tháng 12/2022: Nhiều chính sách mới có hiệu lực

Thứ Hai, 28 /11/2022 16:35

Từ tháng 12/2022, chính sách về viên chức, tiền lương, hỗ trợ hộ nghèo… sẽ có hiệu lực.

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với viên chức địa chính, thể dục thể thao

Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BTNMT sửa đổi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.

Theo đó, Thông tư số 12/2022/TT-BTNMT đã bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức địa chính các hạng.

Chức danh địa chính viên hạng II chỉ yêu cầu có kỹ năng sử dụng CNTT hoặc sử dụng phần mềm chuyên ngành địa chính, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng DTTS đối với viên chức công tác ở vùng DTTS theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Chức danh địa chính viên hạng III yêu cầu viên chức có kỹ năng sử dụng CNTT, sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng DTTS đối với viên chức công tác ở vùng DTTS theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Đối với địa chính viên hạng IV, không còn yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học.

Thay đổi yêu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ

Ngày 28/10/2022, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 15/12/2022, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành mỹ thuật.

Theo thông tư mới, thay đổi yêu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp họa sĩ như sau:

Viên chức chuyên ngành mỹ thuật bao gồm họa sĩ hạng I, II, III, IV. Trong đó, đối với họa sĩ hạng I, II, III trường hợp không tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành mỹ thuật thì yêu cầu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và phải được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; hoặc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Cả 4 hạng chức danh đều yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật thay vì yêu cầu họa sĩ hạng I, II, II phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh họa sĩ hạng I, II, II tương ứng.

Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp các hạng viên chức chuyên ngành mỹ thuật trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành mỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-BVHTTDL.

Xếp lương viên chức là diễn viên

Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12 tới đây.

Theo thông tư này, diễn viên các hạng I, II khi thăng hạng phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên các hạng II, III hoặc tương đương đủ từ 6-9 năm trở lên (hiện hành là 5 năm).

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (diễn viên hạng I hiện hành là 2 năm, hạng II là 1 năm).

Với diễn viên hạng III phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV hoặc tương đương từ đủ 2 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Đối với trình độ cao đẳng hoặc từ đủ 3 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trình độ trung cấp (so với hiện hành, quy định mới đã bổ sung "không kể thời gian tập sự, thử việc").

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh diễn viên hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng (nội dung mới bổ sung).

Về xếp lương, diễn viên hạng I được áp dụng hệ số lương 6,2 đến hệ số lương 8,0 (từ 9.238.000 đến 11.920.000 đồng); diễn viên hạng II được áp hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38 (từ 5.960.000 đến 9.506.200 đồng); diễn viên hạng III được áp dụng hệ số lương 2,34 đến 4,98 (từ 3.427.000 đến 7.420.200 đồng); diễn viên hạng IV được áp dụng hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06 (từ 2.771.400 đến 6.049.400 đồng).

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh

Từ ngày 12/12/2022, Thông tư số 14/2022/TT-BTTTT của Bộ TT-TT quy định về danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 sẽ có hiệu lực.

Theo đó, những hộ được hỗ trợ điện thoại thông minh gồm: Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (tính đến thời điểm Bộ TT-TT phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương); hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.

Có 2 hình thức hỗ trợ gồm: Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp). Hỗ trợ bằng tiền (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022). Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ.

Nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường (trường hợp hộ gia đình nhận hỗ trợ bằng tiền) hoặc mua điện thoại thông minh thông qua gói dịch vụ kết hợp của DN có giá cao hơn mức hỗ trợ từ chương trình, hộ gia đình tự bổ sung số kinh phí tăng thêm.

Hồ sơ nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh và dịch vụ viễn thông công ích:

Bản sao CMND hoặc CCCD của chủ hộ hoặc của người đại diện hộ gia đình nhận hỗ trợ (có bản chính để đối chiếu). Bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo đang trong thời gian chưa thoát nghèo, cận nghèo. Hóa đơn mua điện thoại thông minh của hộ gia đình từ thời điểm 12/12/2022 (đối với trường hợp nhận hỗ trợ bằng tiền).

Thủy Hà