Print

World Cup 2022 bắt đầu khát bàn thắng: Kỷ nguyên phòng ngự… lên ngôi

Thứ Hai, 28 /11/2022 19:44

World Cup 2022 mới trải qua nửa chặng lượt 2 vòng bảng đã có số trận hòa không bàn thắng… gấp 3 lần so với năm 2018. Sau lượt đầu bùng nổ bàn thắng, NHM đang bồn chồn và phân vân tự hỏi: Các bàn thắng trốn đi đâu?

Ấn tượng lớn nhất từ loạt trận đầu vòng bảng WC 2022, không nghi ngờ gì, chính là cơn mưa bàn thắng- 41 pha lập công đã được thực hiện. Và điều đó khiến giới chuyên môn sớm lạc quan đánh giá “đó chính là món ăn hấp dẫn nhất trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh”.

Sợ thua sớm

Nhóm nghiên cứu kỹ thuật của FIFA cho biết số lượng trận hòa không bàn thắng tại World Cup 2022 cao là bởi các đội sợ bị thua sớm. Có 5 trận không bàn thắng trong 20 trận đầu tiên ở Qatar, chỉ kém hai trận so với kỷ lục tại một kỳ World Cup. Chỉ có một trận hòa 0-0 tại giải đấu năm 2018 giữa những người chiến thắng cuối cùng là Pháp và đội tuyển Đan Mạch.

“Đó là bởi các đội không muốn mạo hiểm quá nhiều ngay từ đầu”, cựu tuyển thủ Nigeria Sunday Oliseh cho biết. “Dữ liệu trước đây cho thấy khoảng 70% các đội thua trận đầu tiên thường bị loại ở vòng bảng và tất cả đều biết điều đó”. Cuộc đụng độ giữa Uruguay với tuyển Hàn Quốc bị xem là tẻ nhạt nhất, khi trở thành trận đầu tiên tại một vòng chung kết World Cup thậm chí không có cú sút trúng đích nào. HLV kỳ cựu, Alberto Zaccheroni, chia sẻ thêm: “Nhiều đội bóng đang dựa vào cách tiếp cận thận trọng để không thua, trước khi nghĩ đến chiến thắng. Rất nhiều đội tung vào sân năm hậu vệ và chơi rất chặt chẽ. Họ muốn đảm bảo ít nhất 1 điểm ngay từ trận đầu tiên và nếu có cơ hội mới cố gắng nắm bắt để giành chiến thắng trong 90 phút”.

Ưu tiên… giữ sạch lưới

Việc giữ sạch lưới đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các HLV. Và theo lý giải của các chuyên gia bóng đá, chính hiệu ứng cơn mưa bàn thắng ở lượt trận đầu dẫn tới tâm lý thận trọng ở các đội bóng khi bước vào lượt 2. Giải thích về hiện tượng này trên ITV, cựu đội trưởng MU, Roy Kean, nhấn mạnh: “Các đội đang chơi với cường độ thấp hơn. Đó là một lịch thi đấu dày đặc, với mật độ 4 ngày/trận - tất cả chúng ta đều hiểu điều đó. Và vì vậy, chúng ta sẽ thấy các đội thi đấu bùng nổ trong một khoảng thời gian chiến thuật, theo quy ước của HLV, hơn là đôi công trong suốt 90 phút. Dù vô tình hay cố ý, ở lượt 2 này, các đội đều lựa chọn nhập cuộc chậm hơn”.

Theo Ian Wright, cựu tiền đạo tuyển Anh, World Cup 2022 có thể gây tranh cãi về công nghệ bắt việt vị bán tự động cũng như số thời gian bù giờ nhiều hơn so với trước đây. Có một thực tế không thể phủ nhận: VAR hiện đã ổn định hơn và có ít penalty hơn. “World Cup 2018 là giải đấu đầu tiên có trợ lý trọng tài video”, Wright nói. “Cho đến năm 2022, chúng ta vẫn thấy một số quả penalty dễ dàng, nhưng sau 4 năm kinh nghiệm sử dụng VAR, có lẽ các trọng tài đã hiểu rõ hơn về thế nào là một quả phạt đền. Hoặc có thể lần trước họ đã hiểu đúng hơn… ai biết được?”.

Còn Graem Souness, cựu HLV Liverpool, nhận xét rằng: “Các đội chỉ đơn giản là bảo thủ hơn! Hãy nhìn cách Southgate sử dụng nhân sự, chúng ta sẽ hiểu vì sao có ít bàn thắng ở lượt 2. Anh ta có một nhóm cầu thủ tấn công rất tài năng, trong đó có Phil Foden, và chúng ta sốt ruột chờ đợi khi nào Phil được trao cơ hội, thay vì họ chỉ ưu tiên lối chơi kiên nhẫn và phòng thủ vững chắc, thay vì linh hoạt tấn công về phía trước”.

Các chuyên gia đều thừa nhận rằng dù FIFA ủng hộ bóng đá tấn công, nhưng các HLV có quan điểm khác. Hãy nhìn cách người Pháp ưu tiên tính tổ chức, kỷ luật, trước khi tấn công, và cuối cùng đã giành chiến thắng vào năm 2018. Trong khi đó, người Tây Ban Nha và Đức, nổi tiếng về chơi bóng cường độ cao, đều thất bại trong các giải đấu trước. Giống như cấp câu lạc bộ trải qua các chu kỳ của phong cách chơi, có lẽ chúng ta phải chấp nhận chịu đựng một kỷ nguyên phòng ngự nhiều hơn trên đấu trường quốc tế.

Hoàng Hương