Print

Các cấp Công đoàn cần chủ động nắm bắt, hỗ trợ kịp thời NLĐ bị mất việc làm

Thứ Hai, 28 /11/2022 23:54

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình DN bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ và thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho NLĐ, do Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức chiều 28/11.

Theo số liệu tổng hợp của các cấp Công đoàn, đến nay có 1.235 DN tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động, trong đó tập trung vào các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí…; có 427.214 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, trong đó gồm: Thôi việc, mất việc có 41.558 người, chiếm 8,8%; giảm giờ làm có 430.665 người, chiếm 91,20%. Bên cạnh đó, có 30 DN nợ lương của 6.946 NLĐ với tổng số tiền hơn 110,2 tỷ đồng; có 121 DN nợ BHXH của 32.315 NLĐ với tổng số tiền hơn 237,9 tỷ đồng.

Trước tình trên, tổ chức Công đoàn đã tham gia đối thoại, thương lượng với chủ SDLĐ về xây dựng phương án sản xuất nhằm duy trì nhiều nhất việc làm cho NLĐ, hạn chế tối đa việc chấm dứt, tạm hoãn HĐLĐ. Công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của Công đoàn cấp trên đã tham gia ý kiến vào phương án hoạt động của DN; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của DN, cũng như theo Thỏa ước Lao động tập thể đã ký kết.

Tổ chức Công đoàn cũng đã báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ DN nhằm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh; chấp hành các chế độ đối với NLĐ đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt HĐLĐ. Đồng thời, có những hỗ trợ tới NLĐ để giảm bớt khó khăn; chủ động kết nối các Công đoàn cơ sở tại DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho NLĐ; cũng như có các chế độ hỗ trợ đối với những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Trước tình trạng khó khăn của hàng trăm nghìn NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn trực thuộc chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các DN, số lượng NLĐ bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hoặc chấm dứt HĐLĐ; nợ lương, nợ BHXH, BHYT của NLĐ… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của DN, của đoàn viên, NLĐ để tham gia, đề nghị chủ SDLĐ sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2023 và công bố tới toàn thể NLĐ trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. 

Đề xuất tham gia đối thoại, thương lượng với chủ SDLĐ xây dựng phương án sử dụng NLĐ, sắp xếp thời gian làm việc của NLĐ trên cơ sở giữ tối đa số lượng NLĐ có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ; trường hợp phải chấm dứt HĐLĐ thì đảm bảo quy trình, quyền lợi của NLĐ theo quy định của pháp luật và đóng góp của NLĐ đối với DN; giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của NLĐ.

Triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho DN, giữ việc làm cho NLĐ; đảm bảo quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, nhất là lao động nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, NLĐ từ 35 tuổi trở lên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, NLĐ là người khuyết tật… trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Thanh Hằng