Print

Năm 2030, dự báo NCT sẽ chiếm khoảng 17% dân số Việt Nam

Thứ Ba, 29 /11/2022 13:03

Theo thông tin từ Hội Lão khoa Việt Nam, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi (NCT) chiếm khoảng 17% và đến năm 2050, khoảng 25% dân số Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. So với dự báo, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, sớm hơn 6 năm (năm 2017). Hiện Việt Nam có khoảng 11,4 triệu NCT, chiếm khoảng 11,86% dân số; số NCT Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây, tỷ lệ NCT ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số quốc gia. Giai đoạn năm 1989- 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi. Theo Hội Lão khoa Việt Nam, dự báo đến năm 2030, NCT chiếm khoảng 17%; năm 2050, chiếm 25% dân số Việt Nam.

NCT Việt Nam là một nguồn lực rất quan trọng, không thể thiếu trong xã hội, bởi họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn có nhiều chính sách, chế độ nhằm chăm sóc, phát huy vai trò của NCT. Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2156/2021/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030.

Riêng về ASXH, hiện có hơn 3,3 triệu NCT đang hưởng chế độ BHXH; hơn 900.000 NCT đang hưởng chế độ NCT; gần 1,9 triệu NCT hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng. NCT từ đủ 75- 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng, mức trợ cấp tăng 4 lần từ 90.000 đồng/người/tháng (giai đoạn năm 2010-2020) lên 360.000 đồng/người/tháng; trong đó, một số địa phương tăng mức chuẩn cao hơn quy định của Chính phủ và mở rộng diện hưởng như TP.Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Hơn 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; gần 4 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; 96% NCT có thẻ BHYT.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trung bình mỗi NCT mắc trên 3 bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe NCT, mà ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nói chung của họ. Điều này đòi hỏi hệ thống ASXH và hệ thống chăm sóc sức khỏe cần quan tâm, điều chỉnh để đáp ứng với nhu cầu của NCT về dịch vụ y tế; nguồn nhân lực liên quan đến NCT (bác sĩ, nhân viên y tế chuyên ngành Lão khoa, điều dưỡng, người giúp việc…); nguồn lực tài chính…

Bên cạnh đó, cần có chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc NCT theo chiều sâu; tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội trong việc thực hiện Luật NCT, chế độ chính sách liên quan đến NCT; nghiên cứu, tham mưu giải pháp ứng phó với những thách thức, khó khăn của quá trình già hóa dân số, yêu cầu nhiệm vụ công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT… Song song đó, tổ chức vận động nguồn lực từ cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT về sức khỏe, vật chất, tinh thần, cả xã hội chung tay giúp đỡ NCT có hoàn cảnh khó khăn.

Tùng Anh