Print

Già hóa dân số và thách thức với người không có bảo hiểm

Thứ Ba, 29 /11/2022 14:03

Ngày 29/11, tại TP.HCM, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA) phối hợp với Prudential Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề "Già hóa dân số: Cơ hội và thách thức cho thế hệ millennials".

Thông tin tại Hội thảo, TS.Bùi Tôn Hiến- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, sau hơn 35 đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Có thể thấy, tốc độ tăng dân số kiểm soát mức hợp lý, tỷ lệ dân số và tỷ lệ phát triển con người đã cao lên. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh và nguồn lực kinh tế của người dân còn hạn chế.

Theo đó, tính đến nay, cả nước mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi cũng chưa phát triển, đã tạo ra những thách thức lớn cho xã hội.

“Trước tình trạng cấp bách hiện tại, việc thích ứng với già hóa là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Mục tiêu nhằm cố gắng làm chậm quá trình già hóa dân số, tập trung tăng cường lao động và thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội cho người già trong tương lai”- TS.Bùi Tôn Hiến chia sẻ.

Tại Hội thảo, PGS-TS.Giang Thanh Long- đại diện ILSSA cũng đã có bài chia sẻ với chủ đề "Già hóa dân số ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số vấn đề an sinh thu nhập". PGS.Long dẫn chứng số liệu Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2009 và 2019 khi trình bày vấn đề già hóa dân số (60 tuổi trở lên). Theo đó, tổng dân số tăng từ 85,85 triệu (2009) lên 96,21 triệu (2019). Dân số ở các nhóm tuổi đều tăng lên, nhất là tỷ lệ già hóa. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam có khoảng 7,45 triệu người cao tuổi, tăng 11,4 triệu vào năm 2019; đến 2021 là 12,58 triệu người.

Theo PGS.Giang Thanh Long, 10 địa phương ghi nhận tỷ lệ già hóa tăng cao vì tỷ suất sinh giảm, đối mặt tình trạng di cư, trong đó có Thái Bình, Bến Tre, Vĩnh Long, Hà Nam, Nam Định, Tiền Giang, Hải Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang, Hải Phòng. Tỷ lệ người cao tuổi sống ở đô thị tăng lên theo thời gian ở tất cả các nhóm tuổi. Đáng chú ý, tỷ lệ cao niên sống ở nông thôn ngày càng tăng cao.

TS.Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trợ lý cấp cao của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam còn khoảng thời gian rất ngắn (khoảng 14 năm) để bước vào thời kỳ dân số già. Cùng với đó, các nguy cơ về suy giảm lực lượng lao động có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, trở thành thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, về mặt cơ chế, chính sách, Việt Nam cần chú trọng giải quyết một số vấn đề để "hóa giải" các thách thức này.

Cũng theo TS.Bùi Sỹ Lợi, trước tiên cần giải quyết vấn đề an sinh xã hội tương tự như cách thức tìm hướng giải quyết cho tăng trưởng kinh tế. Kế tiếp, cần chú trọng các chính sách BHXH, BHYT. Hiện Việt Nam đang áp dụng BHXH đa tầng; song vẫn còn một "tầng" cuối là hưu trí bổ sung dành cho người dân chưa thực hiện được. Vấn đề nữa là cần khắc phục rủi ro, trợ giúp thường xuyên cho nhóm yếu thế gồm người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Bên cạnh đó, hiện nhiều người dân và NLĐ vẫn chưa có nhận thức đúng, đầy đủ về việc tham gia BHXH, BHYT…

Tại Hội thảo, BTC cho biết, trong năm 2021 và 2022, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential phối hợp thực hiện nghiên cứu "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già" và "An sinh xã hội cho người cao tuổi". Nghiên cứu này được thực hiện trên nhóm dân số trong độ tuổi 30-44 ở 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Việt Nam.

Kết quả cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già ở cuộc sống trung niên chưa cao, nhất là về sức khoẻ và tài chính. Hiện tại, những giải pháp cho vấn đề này gồm: Thứ nhất, sẽ xây dựng và thực hiện chiến lược giáo dục truyền thông về già hoá chủ động cho người dân trên cả nước. Thứ hai, phát triển việc làm và tăng cường giáo dục đào tạo. Thứ ba, cải thiện các chính sách dịch vụ công nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH và tích luỹ tài chính. Thứ tư, các tổ chức nên xây dựng nhiều chương trình để truyền thông cho các tầng lớp trung niên.

Phạm Thọ