Print

Gia tăng chưa từng thấy nhu cầu về kỹ năng số

Thứ Tư, 30 /11/2022 11:20

Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, việc áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới, giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Chuyển đổi số Việt Nam 2022, với chủ đề “Nâng cao nguồn nhân lực số”, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, các quốc gia thành viên ASEAN đang tích cực thực hiện từng bước vững vàng trong hành trình chuyển đổi số. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy nhu cầu về kỹ năng số; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái giáo dục đào tạo thuận lợi cùng khả năng phát triển nguồn nhân lực số.

Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng đảm bảo thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược phát triển nhân lực cho chuyển đổi số như: Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 80% NLĐ được trang bị kỹ năng số, đến 2030 là 90%.

Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu chung là: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, DN để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng gia tăng, sự phát triển như vũ bão của các công nghệ, các hoạt động đào tạo cũng cần được đổi mới, phù hợp với nhu cầu dạy và học đang ngày càng thay đổi, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Theo Báo cáo “Sinh viên và công nghệ 2022: Tái cân bằng trải nghiệm người học” của Educause, xu hướng hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh trong 2 năm qua. Theo đó, phương thức học trực tuyến đang ngày càng được ưa thích hơn. Cụ thể, theo khảo sát trước ngày 11/3/2020, chỉ 4% cho biết họ muốn phương thức chủ yếu học online, con số đó đã tăng lên 9% vào năm 2022. Trong khi đó, số người muốn học online hoàn toàn năm 2022 là 20%, so sánh với 5% năm 2020.

Theo Bộ TT-TT, để đáp ứng được nhu cầu nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT, trong bối cảnh lực lượng này thiếu hụt, đại học số chính là giải pháp đột phá, là lời giải cho nhân lực số Việt Nam. Bên cạnh đó, với quan điểm mỗi người Việt Nam đều cần có kỹ năng số, một giải pháp đã được Bộ TT-TT triển khai là xây dựng và đưa vào vận hành nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch từ tháng 4. Sau 6 tháng hoạt động, đến đầu tháng 11, đã có 10 triệu lượt người dùng Việt Nam lên nền tảng này học tập.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Paul Yeo- Chủ tịch Tập đoàn Confexhub nhận định, các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đang làm thay đổi các ngành công nghiệp, làm phong phú thêm cuộc sống cũng như thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng tác động đến cuộc sống hàng ngày và các hoạt động kinh tế, khiến việc sử dụng tiền mặt ngày càng trở nên lỗi thời và các thành phố cũng trở nên thông minh và an toàn hơn.

“Chúng tôi tin rằng, cần có những thay đổi lớn trong việc tái suy nghĩ, tái định hình và tái tạo hệ sinh thái phát triển nhân lực có khả năng kết hợp việc học tập với thực hành, đào tạo ra lực lượng lao động tương lai với đủ các kỹ năng cần thiết. Qua đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh, cũng như khả năng phục hồi của các nước ASEAN”- ông Paul Yeo chia sẻ.

T.Hà