Print

Những nữ trọng tài đầu tiên làm việc tại World Cup 2022: Áp lực không chừa giới tính

Thứ Tư, 30 /11/2022 20:20

Mặc dù được gọi là Vua sân cỏ, trên thực tế, áp lực đối với các trọng tài vô cùng lớn, đòi hỏi sự tập trung cao độ theo từng diễn biến của trận đấu. Và hãy tưởng tượng, áp lực đó sẽ còn lớn như thế nào nếu bạn điều hành một trận đấu tại World Cup. Hơn thế, áp lực sẽ khủng khiếp nhường nào khi là một nữ trọng tài  làm nhiệm vụ tại World Cup 2022.

“Chúng tôi hiểu đó là một áp lực rất lớn khi các trọng tài đưa ra một quyết định nào đó trên sân cỏ. Và áp lực đó còn gấp bội nếu đó là một nữ trọng tài, không có ý định phân biệt giới tính, nhưng thực tế cũng như bóng đá, bản lĩnh, kinh nghiệm và năng lực điều hành trận đấu phải được trui rèn qua từng cấp độ, thời gian và đòi hỏi sự nỗ lực của chính các nữ trọng tài, khi có cơ hội”, đó là chia sẻ của ông Pierluigi Collina- Chủ tịch Hội đồng trọng tài FIFA, khi nói về sự hiện diện của 6 nữ trọng tài, tham gia điều khiển các trận đấu tại World Cup 2022. Erin Blankenship, người đồng sáng lập của Equal Playing Field, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy sự đại diện của phụ nữ trong thể thao, cho biết: “Điều này xảy ra ở Qatar là một tuyên bố mạnh mẽ. Tôi không mong đợi World Cup có sự phân chia giới tính 50/50, nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc giới tính của bạn không còn quan trọng nữa”.

Với Neuza Ines Back, nữ trọng tài người Brazil có mặt tại Qatar năm nay, lần gần nhất làm việc tại một kỳ World Cup là khi cô tham gia điều khiển trận chung kết FIFA Club World Cup 2020, khi nhà vô địch châu Âu Bayern Munich đánh bại Mexico Tigres với tỷ số 1-0. Ines Back thừa nhận có sự chênh lệch rõ rệt giữa tỷ lệ trọng tài nữ so với trọng tài nam tại World Cup 2022, nhưng sự hiện diện đó rất có ý nghĩa. Tuy vậy, không phải ai cũng coi sự bổ sung trọng tài nữ tại World Cup là thay đổi tích cực. Một số người hâm mộ bóng đá, đặc biệt là nam giới, đã chế giễu các nữ trọng tài vì "dám tiếp quản không gian của đàn ông". Ngay trước World Cup 2022, cựu tuyển thủ Pháp Jerome Rothen thậm chí còn dành hẳn một chương trình radio để hạ thấp uy tín Stephanie Frappart. Rothen cho rằng nữ trọng tài đồng hương "không đủ trình độ" để tới giải đấu lớn nhất hành tinh. “Xem video của Stephanie làm việc, tôi bị ấn tượng bởi sự nhanh nhẹn và khuôn mặt căng thẳng khi thi đấu của cô ấy. Nhưng Chúa ơi…bóng đá tội nghiệp! FFF tội nghiệp! Tôi tự hỏi giá trị của nó là gì??? Để làm chuyện nhảm nhí ở mọi cuộc chơi! Tôi có một suy nghĩ lớn cho các trọng tài khác một cách nghiêm túc… và tôi có cảm giác rằng họ cũng nghĩ như tôi’, Rothen chia sẻ.

Stephanie Frappart, 37 tuổi, là một trong những trọng tài hàng đầu của Pháp và trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành trận chung kết Siêu cúp UEFA nam (Liverpool - Chelsea) vào năm 2019, cũng như một trận đấu tại UEFA Champions League của nam (Juventus - Dynamo Kyiv) vào năm 2020. Tuy nhiên, chính cô cũng thừa nhận “thành công là con dao hai lưỡi. Thành tích càng cao, sự chỉ trích càng lớn. Và khi người có danh tiếng càng cao chỉ trích, áp lực dội lại càng lớn”. Đáp trả lại bình luận của Rothen cũng trên một kênh radio danh tiếng tại Pháp, Frappart nói: “Tôi không có mạng xã hội, tôi rất ít đọc báo chí. Tôi tập trung hơn vào phần kỹ thuật và phản hồi mà tôi có thể nhận được với liên đoàn. Tôi có sự tin tưởng của liên đoàn, UEFA và FIFA. Đối với tôi, tôi luôn giữ vững lập trường và tôi sẵn sàng bỏ qua tất cả những gì gây tranh cãi hoặc thảo luận xung quanh màn trình diễn của mình”.

Trong khi Frappart tiếp tục đấu tranh với những đồng hương ghét bỏ mình, đồng nghiệp của cô, Salima Mukansanga, cũng phải đối mặt với những thách thức khác ở Rwanda. Đầu năm nay, Mukansanga (33 tuổi) gây chú ý khi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm trọng tài hai trận tại giải vô địch châu Phi ở Cameroon. “Trước khi trận đấu bắt đầu, nói không lo lắng sẽ là nói dối. Tôi thực sự có lo lắng. Nhưng tôi tự nhủ mình phải chiến thắng nỗi sợ hãi. Đó là nhiệm vụ không phải của riêng nữ trọng tài, mà của tất cả trọng tài khi làm nhiệm vụ trên sân”, Mukansanga nói.

Hoàng Hương