Print

Tập trung giải quyết những khó khăn cho DN và người dân

Thứ Năm, 01 /12/2022 14:22

Sáng 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và ông Đinh Văn Ân- Trợ lý Tổng Bí thư cùng dự phiên họp.

Theo báo cáo và các ý kiến đánh giá tại phiên họp, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 đã khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu NSNN 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỷ USD, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số IIP tháng tăng 8,6% so cùng kỳ.

Cũng trong 11 tháng qua, có gần 195.000 DN thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 33,2% cùng kỳ, gấp 1,47 lần so với số DN rút lui. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng là gần 4,5 triệu tỷ đồng, tăng 21,5%; vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1%- cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua...

Về an sinh xã hội, văn hóa-xã hội, đối ngoại, quốc phòng-an ninh được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả nổi bật. Từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 87.500 tỷ đồng cho trên 55,3 triệu lượt NLĐ và gần 851.300 chủ SDLĐ; các hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục diễn ra sôi động; nhiều sự kiện được tổ chức thành công, ý nghĩa...

Kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng trong năm 2022-2023. Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu", dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7%- là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN; Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2022 là 7,4%...

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch; xuất hiện tình trạng nhiều DN thu hẹp sản xuất kinh doanh…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là đã thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xử lý những vấn đề nảy sinh... Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 11 tháng năm 2022 đạt kết quả rất tích cực, đáng mừng trong điều kiện khó khăn.

Từ những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm "càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ cùng nhau, gánh vác trách nhiệm, hết mình với công việc để hoàn thành nhiệm vụ; phát hiện vấn đề nhanh, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời và hiệu quả".

Dự báo tình hình thời gian tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan phải bám sát các chủ trương, Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; theo dõi, nắm chắc tình hình và kịp thời phản ứng bằng chính sách cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả.

“Các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho DN và người dân, trong đó có việc tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; thúc đẩy bảo đảm các thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, DN và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào”- Thủ tướng chỉ đạo.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm với từng bộ, ngành, cơ quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp Quốc hội bất thường sắp tới bảo đảm tiến độ và chất lượng; tổ chức tổng kết năm 2022, xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2023; phối hợp triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia...

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành phải làm tốt đồng thời cả 3 việc: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Minh Đức