Print

Kháng sinh nhóm beta-lactam: Cần phải sử dụng truyền kéo dài để tăng hiệu quả điều trị

Thứ Tư, 07 /12/2022 21:21

Beta-lactam là một họ kháng sinh nhiều thế hệ và phân nhóm, bao gồm các kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng beta-lactam trong công thức hóa học. Khi vòng này liên kết với một cấu trúc vòng khác, sẽ hình thành 4 phân nhóm lớn tiếp theo.

Cụ thể gồm các kháng sinh sau đây:

- Penicillin: Là dẫn xuất của acid 6 aminopenicillanic, bao gồm: Benzylpenicillin, methicillin, amoxicillin, piperacillin… Penicillin có phổ trên gram âm và gram dương. Tuy nhiên, do vi khuẩn có cơ chế đề kháng bằng cách tiết men beta-lactamase, một số kháng sinh được kết hợp thêm hoạt chất chống men beta-lactamase để tăng tác dụng diệt khuẩn như amoxiciclin/acid clavuclanic, piperacillin/tazobactam.

- Cephalosporin: Được cấu tạo từ vòng beta-lactam và vòng dihydrothiazine. Sự thay đổi các nhóm thế trên vòng sẽ dẫn đến thay đổi đặc tính và tác dụng sinh học của kháng sinh. Cephalosporin hiện nay đã có đến 5 thế hệ.

Thế hệ 1: Tác dụng lên gram dương là chủ yếu: Cefazolin, cefalexin.

Thế hệ 2: Tăng phổ tác dụng trên gram âm: Cefuroxime, cefamandol, cefaclor; và tác dụng lên vi khuẩn kỵ khí bacteroides fraginalis như: Cefotetan, cefoxitin.

Thế hệ 3: Tác dụng mạnh trên gram âm: Cefotaxime, ceftriaxone, ceftazidime, cefixime.

Thế hệ 4: Phổ rộng trên gram dương và gram âm, bao gồm cả pseudomonas: Cefepime.

Thế hệ 5: Bao gồm phổ trên MRSA (methicillin resistant staphylococcus aureus): Ceftaroline.

- Carbapenem: Do thuốc có ái lực cao với PBP của vi khuẩn gram âm và gram dương, kèm theo cấu trúc khó phá hủy bởi các men beta-lactamase, nên đây là nhóm kháng sinh có phổ rộng nhất trong nhóm beta lactam, ví dụ như meropenem, imipenem-cilastatin, ertapenem. Đây là nhóm kháng sinh dự trữ, chỉ dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn đa kháng.

- Monobactam: Là kháng sinh chỉ có vòng beta-lactam, chỉ có tác động trên vi khuẩn gram âm: Aztreonam.

Sử dụng kháng sinh một cách an toàn, hiệu quả sẽ giúp ngăn chặn, hạn chế việc đề kháng kháng sinh. Beta-lactam là nhóm kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp vách tế bào cũng như làm ly giải và biến dạng vi khuẩn.

Đặc biệt, beta-lactam là nhóm kháng sinh phụ thuộc vào thời gian, nghĩa là tốc độ và mức độ diệt khuẩn phụ thuộc chủ yếu vào thời gian vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh, ít phụ thuộc vào nồng độ thuốc trong máu. Chỉ số dược động học và dược lực học (PK/PD) của các nhóm kháng sinh nay cần phải tối ưu hóa bằng cách truyền kéo dài liên tục trong sử dụng với mục đích vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh ở nồng độ điều trị càng lâu càng tốt.

Để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu sự xuất hiện chủng vi khuẩn kháng thuốc, việc tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh hiệu quả thực sự là bước thiết yếu. Để tối ưu hóa tác dụng của kháng sinh nhóm beta-lactam, chỉ số PK/PD cần tối ưu là T>MIC. Khả năng diệt khuẩn đạt bão hòa khi nồng độ lớn hơn MIC khoảng 4-6 lần, nghĩa là khi tăng nồng độ hơn ngưỡng này, tốc độ và mức độ diệt khuẩn chỉ tăng không đáng kể.

Đối với nhóm kháng sinh beta-lactam, có 3 cách để tối ưu chỉ số T>MIC (thời gian duy trì nồng độ trên MIC): Tăng liều, rút ngắn khoảng cách dùng thuốc hay tăng số lần dùng thuốc và kéo dài thời gian truyền. Khác với truyền ngắt quãng thường kéo dài khoảng 30-60 phút, thì các phác đồ điều trị bằng kháng sinh beta-lacta cần kéo dài thời gian truyền liên tục 2-4 tiếng.

Lợi ích khi truyền kéo dài nhóm beta-lactam trong điều trị đã được thực tế lâm sàng chứng minh. Trên những bệnh nhân có nhiễm khuẩn nặng, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng, bệnh nhân hồi sức tích cực và những bệnh nhân có dược động học thay đổi nhiều (người béo phì, người có tăng thanh thải thận CrCl>120ml/phút, bệnh nhân bỏng), đã có các nghiên cứu lớn chứng minh hiệu quả về mặt lâm sàng, lợi ích về giảm tỷ lệ tử vong, lợi ích về giảm thời gian nằm viện, giảm đề kháng thuốc và tăng độ an toàn khi truyền kéo dài beta-lactam.

Truyền kéo dài beta-lactam làm giảm tổng số thời gian nằm viện và thời gian nằm tại ICU (đơn vị hồi sức tích cực) có ý nghĩa thống kê so với chế độ truyền ngắt quãng. Việc giảm thời gian điều trị khi truyền kéo dài kháng sinh beta-lactam có ý nghĩa kinh tế rất lớn, giảm kinh phí sử dụng ngày giường và sử dụng thuốc, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn chéo trong BV.

Khi sử dụng chế độ truyền kéo dài đòi hỏi phải có bơm tiêm điện và phải có điều dưỡng để theo dõi. Trong thực tế lâm sàng, thầy thuốc cần phải quan tâm đến tính tương kỵ và tính ổn định thuốc. Thực tế, không phải thuốc nào cũng có thể truyền kéo dài được, vì yếu tố về độ ổn định của thuốc ảnh hưởng và cũng quyết định một phần đến thời gian truyền.

Lưu ý, độ ổn định của thuốc sẽ phụ thuộc vào dung môi pha thuốc, nhiệt độ và nồng độ pha thuốc đạt được. Cần phải tham khảo ý kiến của dược sĩ lâm sàng hoặc tra cứu tham khảo trên tờ thông tin sản phẩm. Ví dụ, trên tờ thông tin sản phẩm của meropenem, khi pha meropenem vào dung dịch NaCl 0,9% được nồng độ 50mg/ml thì có thể ổn định thuốc 3 tiếng ở nhiệt độ phòng (15 độ C đến 25 độ C) và lên đến 8 tiếng ở nhiệt độ lạnh (2 độ C đến 8 độ C). Các thuốc kháng sinh nhóm beta-lactam tạo phức bền vững với transpeptidase, với mục đích ức chế tạo vách vi khuẩn cũng như làm ly giải hoặc biến dạng vi khuẩn.

Tuy nhiên, các thuốc kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam rất dễ gây dị ứng. Vì vậy, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ dự phòng và cấp cứu sốc phản vệ theo quy định chuyên môn.

ThS.Lê Quốc Thịnh