Print

BHXH tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường thực hiện các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao

Thứ Năm, 15 /12/2022 11:43

Sáng 15/12, tại Hà Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Hà Tĩnh về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và công tác giám định BHYT trên địa bàn. Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đã yêu cầu BHXH tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đặng Thị Anh Hoa- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, BHXH tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; đồng thời nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra.

Kết quả, đến hết ngày 30/11, toàn tỉnh có 92.958 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2.352 người so với năm 2021, đạt 94,9% kế hoạch giao; 53.688 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 11.113 người so với năm 2021, đạt 96,4% kế hoạch; 1.166.920 người tham gia BHYT, tăng 32.329 người so với năm 2021, đạt 99,6% kế hoạch. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH là 21,6%, cao hơn 0,6% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao; tỷ lệ bao phủ BHYT 92% dân số, đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Số thu BHXH, BHYT đạt 85% kế hoạch... Theo dự kiến, hầu hết các chỉ tiêu sẽ đạt kế hoạch, riêng chỉ tiêu BHXH bắt buộc gặp khó khăn, nên khả năng chỉ hoàn thành 95% kế hoạch...

Lý giải nguyên nhân khiến chỉ tiêu BHXH bắt buộc “gặp khó”, bà Hoa cho biết, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc tại Hà Tĩnh từ năm 2019 đến nay chủ yếu tăng tại 3 nhà máy may có vốn đầu tư nước ngoài, số tăng còn lại từ rà soát dữ liệu thuế, sàn giao dịch việc làm... Tuy nhiên, số tăng từ rà soát phần lớn do dịch chuyển lao động từ đơn vị này sang đơn vị khác. Năm 2022, mặc dù các DN dệt may và Công ty Formusa liên tục đăng thông báo tuyển dụng lao động, nhưng không thu hút được lao động. Giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh tăng được 4,6 nghìn lao động tham gia BHXH bắt buộc, trong đó lao động tăng từ các nhà máy may là 3,7 nghìn ngưởi, từ các đơn vị khác là 900 người. Trong khi đó, chỉ tiêu BHXH bắt buộc được giao phát triển là 7.391 người, 11 tháng đầu năm tăng được 2.352 người, số còn phải thực hiện là 5.000 người rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác rà soát lao động qua dữ liệu thuế đã được BHXH tỉnh thực hiên nghiêm túc. Tuy nhiên, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc chỉ chiếm 5,5% so với số lao động kê khai quyết toán thuế. Hiện nay, Hà Tĩnh có hơn 500 đơn vị không còn hoạt động (phá sản, giải thể…) đang nợ gần 30 tỷ đồng tiền BHXH, tương ứng hơn 2.000 NLĐ chưa được giải quyết chế độ BHXH. Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thuỷ nợ BHXH, BHYT đến hết tháng 11/2022 tới trên 25 tỷ đồng nhưng không có khả năng đóng nộp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ, trong khi cơ quan BHXH không có giải pháp để thu hồi số tiền nợ này.

Đển hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch của BHXH Việt Nam; tăng cường phối hợp với chính quyền các huyện, xã và tổ chức dịch vụ thu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hình thức nhóm nhỏ và trực tiếp tại các hộ gia đình, cụm dân cư. Đồng thời, phối hợp với các trường học hoàn thành chỉ tiêu BHYT HSSV đợt 2 năm học 2022-2023 trong tháng 12/2022. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT; thanh tra chuyên ngành đóng và kiên quyết xử lý các đơn vị có hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi BHXH, BHYT.

Ngoài ra, BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng đề xuất BHXH Việt Nam xem xét, điều chỉnh giảm số giao phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp phù hợp với thực tế tại địa phương; kiến nghị BHXH Việt Nam có ý kiến đề xuất với Bộ LĐ-TB&XH có giải pháp xử lý đối với DN phá sản, giải thể nhưng còn nợ BHXH; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy có giải pháp thanh toán số nợ BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ...

Đối với việc thực hiện chính sách BHYT, theo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2022, toàn tỉnh có 1.652.146 lượt KCB BHYT, tăng 226.729 lượt so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến số chi KCB BHYT trong tỉnh vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao khoảng 18%... Nhằm kiểm soát chi phí KCB BHYT và dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, BHXH tỉnh đã tăng cường công tác giám định BHYT, nhất là kiểm soát chặt chẽ thủ tục KCB BHYT và quản lý tốt bệnh nhân điều trị nội trú. Cùng với đó, thông báo cho các cơ sở KCB có các chỉ số KCB BHYT tăng cao bất thường để phối hợp điều chỉnh hợp lý; tăng cường giám định tại các cơ sở KCB có gia tăng chi phí lớn; kiểm soát các hành vi tăng cường thu dung người có thẻ BHYT đến KCB, các hoạt động KCB nhân đạo, miễn phí trên địa bàn để ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT...

Sau khi nghe các ý kiến báo cáo, đề xuất, kiến nghị và giải đáp của các đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức, cũng như đánh giá cao tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực của BHXH tỉnh Hà Tĩnh trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. "BHXH tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục tăng cường mọi giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH Việt Nam giao, tiếp tục góp sức đảm bảo an sinh trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, người dân tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT"- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng lưu ý BHXH tỉnh Hà Tĩnh một số giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn “nước rút” này. Theo đó, về nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, theo Phó Tổng Giám đốc, càng trong khó khăn càng phải nỗ lực hơn nữa. Trong đó, cần tiếp tục rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp trên nguyên tắc thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật; đồng thời cần phân loại từng nhóm đối tượng cụ thể để tuyên truyền, vận động, nhất là nhóm BHYT HSSV. "Việc gia hạn thẻ BHYT phải kịp thời, trong giao thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia"- Phó Tổng Giám đốc lưu ý.

Đối với công tác thu, thu nợ- mặc dù cơ bản đã đạt mục tiêu đặt ra, nhưng BHXH tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất; phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với những đơn vị nợ BHXH, BHYT. Riêng đối với công tác KCB BHYT, cần quyết liệt hơn, cách giải quyết và xử lý phải rõ ràng theo đúng quy định pháp luật; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm những tồn tại trong thanh quyết toán chi phí KCB, đẩy mạnh kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với các cơ sở KCB có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định BHYT để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường về chi KCB BHYT.

Đặc biệt, chú trọng ngăn ngừa, phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; cũng như các trường hợp thu dung người có thẻ BHYT đến KCB BHYT không đúng quy định, chỉ định điều trị nội trú khi chưa cần thiết. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB thống nhất dự kiến kinh phí để thực hiện đúng dự toán Chính phủ giao. "Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực, trách nhiệm trong kiểm soát công tác giám định BHYT"- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà yêu cầu.

Thủy Hà