Print

BHXH tỉnh Hà Giang: Vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ

Thứ Sáu, 16 /12/2022 22:08

Ngày 16/12, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường có buổi làm việc với BHXH tỉnh Hà Giang về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Vượt qua nhiều khó khăn đặc thù

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Giang cho biết, tính đến ngày 15/12/2022, tỉnh Hà Giang có 869.600 người tham gia BHXH, BHYT, đạt 99,45% kế hoạch được giao. Trong đó: Về BHYT đã đạt và vượt kế hoạch với tỷ lệ 100,41% (vượt 3.535 người); ước đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ bao phủ 97,39% dân số. Về thu, đã đạt 94,69% kế hoạch; tuy nhiên tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT vẫn khá cao, chiếm 3,57% so với số phải thu.

Cũng trong năm 2022, BHXH tỉnh đã thực hiện 38 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 175 đơn vị (đạt 100% kế hoạch). Qua đó, đã phát hiện 406 trường hợp sai phạm về đối tượng đóng, mức đóng, thực hiện truy thu số tiền 1.428 triệu đồng. Số tiền truy đóng là 1.106 triệu đồng, đạt 77,45% so với số cần phải truy thu. BHXH tỉnh cũng tổ chức rà soát các đơn vị nợ trên 3 tháng để thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất theo quy định, trong đó đã tiến hành 2 cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 3 đơn vị, thu hồi số tiền nợ là 249 triệu đồng. Về đôn đốc thu hồi nợ, toàn tỉnh đã thu hồi được 3.177 triệu đồng, đạt tỷ lệ 78,37%.

Quyền lợi BHXH, BHYT của người dân luôn được đảm bảo. Uớc thực hiện đến hết ngày 31/12/2022, BHXH tỉnh thực hiện giải quyết chế độ cho 4.023 hồ sơ hưởng BHXH. Hiện, đã giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK cho 5.624 lượt người. Thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT với 22 cơ sở KCB, đảm bảo thanh toán BHYT cho khoảng 853.829 lượt KCB; tổng số chi hiện chiếm 94,25% dự toán Chính phủ giao năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nêu những khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tạiđịa phương. Đơn cử: Hiện có khoảng 15.000 NLĐ quê Hà Giang đang làm việc tại các KCN thuộc các tỉnh, thành phố khác (Thái nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai…) dẫn đến khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Việc tổ chức hội nghị khách hàng để vận động BHXH tự nguyện cũng rất khó khăn do thu nhập của người dân trên địa bàn khá thấp. Tỷ lệ tham gia BHYT tuy đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, song đa số người tham gia BHYT vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn hỗ trợ khác (chiếm 83% dân số toàn tỉnh), nên về lâu dài, khi nhóm được NSNN đóng và hỗ trợ đóng giảm do người dân thoát nghèo, thoát vùng khó khăn, thoát cận nghèo thì tỷ lệ tham gia BHYT cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nhân lực của 8/10 BHXH huyện chỉ có từ 10-11 người, nên không đủ bố trí các vị trí việc làm, khiến nhiều người phải làm kiêm nhiệm nhiều đầu việc. Đáng lưu ý, Hà Giang là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn (có 5 huyện có cự ly cách tỉnh lỵ từ 100 đến 160km, 4 huyện có khoảng cách từ 50 đến dưới 100km). Với cự ly từ xã đến huyện lỵ, nhiều xã có cự ly từ 60 đến 150km, số xã còn lại có cự ly trung bình từ 15km đến 30km... Thực tế này khiến việc triển khai nhiệm vụ tại BHXH cấp huyện rất khó khăn, đặc biệt đối với công tác quản lý thu, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Trong khi đó, đây là các công việc thường xuyên phải đi đến từng xóm, xã để phối hợp thực hiện; đối tượng quản lý hầu hết là người dân sinh sống tại địa bàn vùng cao, vùng khó khăn của tỉnh. “Thời gian tới, nếu thực hiện theo cơ cấu mỗi huyện chỉ có 1 Phó Giám đốc, sẽ rất khó khăn trong việc lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, do khối lượng công việc lớn, địa bàn quản lý rộng...” bà Hương nêu thực tế.

Kiến nghị sửa đổi chính sách phù hợp với thực tiễn

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) đã trao đổi, tháo gỡ một số khó khăn của BHXH tỉnh Hà Giang.

Chia sẻ những khó khăn đặc thù của tỉnh, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của BHXH tỉnh Hà Giang. Đồng thời, đề nghị các ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam nói chung và Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ nói riêng cần lưu ý những khó khăn của các địa bàn tỉnh, thành phố có nhiều đặc thù như Hà Giang; thường xuyên trao đổi, lắng nghe, sâu sát tình hình thực tế để tháo gỡ những hạn chế đang còn tồn tại.

Về những kiến nghị của BHXH tỉnh Hà Giang về nhân lực, theo ông Cường, HĐQL ghi nhận và sẽ có trao đổi, làm việc cụ thể với Vụ Tổ chức cán bộ (BHXH Việt Nam); đề nghị linh hoạt trong chỉ đạo thực hiện, tránh dẫn đến khó khăn trong thực tiễn, nhất là với các mảng công tác đang có nhiều áp lực như phát triển đối tượng, giám định BHYT… Về khó khăn trong mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, theo ông Cường, để xử lý triệt để cần sửa đổi “gốc” là Luật BHXH, Luật BHYT.

“Trên cơ sở kiến nghị từ BHXH các tỉnh, thành phố, HĐQL sẽ tập hợp thành các nhóm vấn đề, lấy ý kiến thảo luận từ các thành viên HĐQL, đưa ra các đề xuất với Chính phủ, Ban soạn thảo sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT để sửa đổi các nhóm quy định pháp luật liên quan”- ông Cường nhấn mạnh. Cũng từ các đề xuất, kiến nghị của BHXH tỉnh Hà Giang, ông Cường cho biết, sẽ hệ thống hóa, đưa ra các tiêu chí cụ thể trong các cuộc giám sát của HĐQL, qua đó nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các địa phương.

Minh Đức