Print

Trung Quốc ứng phó đợt dịch COVID-19 mới

Thứ Ba, 20 /12/2022 14:43

Đường phố tại các thành phố lớn ở Trung Quốc cuối tuần qua trở nên vắng lặng khi người dân tự nguyện ở nhà để tự bảo vệ bản thân và gia đình trước làn sóng COVID-19 đang tấn công các trung tâm đô thị nước này từ Bắc đến Nam.

Cảnh tượng này không phải do phong tỏa mà do Trung Quốc đang phải đối mặt với một đợt bùng phát COVID-19 lớn và lan rộng.

Reuters dẫn lời Trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou) nói rằng quốc gia tỷ dân hiện trải qua làn sóng đầu tiên trong ba đợt lây nhiễm được dự báo nổ ra vào mùa đông năm nay. Số các mắc có thể gia tăng trên toàn quốc nếu người dân giống như mọi năm trở về quê hương đúng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng tới.

Kể từ ngày 7/12, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về số ca tử vong do COVID-19, trong bối cảnh nước này từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế thời Zero-Covid. Ngày 17/12, Trung Quốc ghi nhận khoảng 2.097 ca nhiễm có triệu chứng.

Tại thủ đô Bắc Kinh, biến thể Omicron với mức độ lây nhiễm cao đã tấn công nhiều lĩnh vực dịch vụ, từ phục vụ ăn uống đến chuyển phát bưu kiện. Tại Thành Đô, cô Zhang- một người dân cho biết, đường phố vẫn vắng vẻ và chất lượng dịch vụ giao đồ ăn đang được cải thiện sau khi mọi hoạt động bắt đầu thích nghi với xu hướng gia tăng các ca mắc mới.

Tại Thượng Hải, chính quyền địa phương cho biết các trường học sẽ chuyển sáng hình thức học trực tuyến từ 19/12. Còn tại Hàng Châu, hầu hết các trường học được khuyến khích kết thúc học kỳ mùa Đông sớm. Theo Sở Giáo dục Quảng Châu, các lớp mầm non vẫn chưa thể mở lại mô hình học trực tiếp trong mùa Đông.

Phát biểu tại một hội nghị ở Bắc Kinh ngày 17/12, ông Ngô Tôn Hữu cho biết đợt dịch bùng phát hiện tại sẽ đạt đỉnh vào mùa đông năm nay và kéo dài thành 3 làn sóng nhỏ trong 3 tháng. Làn sóng đầu tiên từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1 sẽ tập trung chủ yếu ở các thành phố, Làn sóng thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 năm sau, do người dân di chuyển trước kỳ nghỉ Tết kéo dài một tuần. Làn sóng thứ ba sẽ kéo dài từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 khi người dân quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc có thể chứng kiến sự bùng nổ số ca bệnh trong năm 2023. Còn theo ông Ngô Tôn Hữu, số người nhiễm COVID-19 diễn biến nặng ở nước này đã giảm trong những năm qua và việc tiêm phòng đã được thực hiện mang lại một mức độ bảo vệ nhất định. Quan chức này khuyến cáo những đối tượng trong cộng đồng dễ bị tổn thương nên được bảo vệ, đồng thời khuyến nghị tiêm vắc xin tăng cường cho công chúng.

Hãng thông tấn Tân Hoa đưa tin, gần 87% người trên 60 tuổi tại Trung Quốc đã được tiêm phòng nhưng chỉ có 66,4% người trên 80 tuổi hoàn thành quá trình tiêm phòng đầy đủ.

Áp lực thiếu thuốc đang đè nặng lên ngành y tế của Trung Quốc sau khi nước này chuyển chiến lược khống chế số ca mắc COVID-19 sang điều trị cho người dân. Nhiều địa phương đã thiếu thuốc cục bộ khi người dân tích trữ thuốc để tự chữa bệnh nhẹ ở nhà. Chính quyền đang huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp dược cả nước, nâng tối đa công suất sản xuất thuốc đáp ứng nhu cầu tăng đột biến từ người dân.

Chuyên gia Ngô Tôn Hữu dự báo, 10-30% dân số Trung Quốc sẽ nhiễm Covid-19 trong mùa đông, khiến áp lực thuốc điều trị càng thêm căng thẳng.

Ngọc Tuấn