Print

Anh thiếu hụt lao động trầm trọng

Thứ Năm, 22 /12/2022 13:57

Hơn nửa triệu người đã rời khỏi lực lượng lao động nước này kể từ đại dịch COVID-19- đó là thông tin được nêu ra trong báo cáo có tên "Tất cả người lao động đã đi đâu?" mà Uỷ ban các vấn đề kinh tế Thượng viện Anh công bố ngày 20/12.

Ủy ban trên cảnh báo, tình trạng thiếu hoạt động kinh tế ở Anh gia tăng mạnh vì nhiều người trưởng thành đang ở độ tuổi lao động mất việc và không muốn tìm kiếm việc làm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thực tế này đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia, gây nguy cơ tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao hơn.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng gia tăng người không tham gia lao động là xu hướng nghỉ hưu sớm ở nhóm 50-64 tuổi. Tính từ khi bắt đầu đại dịch, con số này đã lên tới 565.000 người. Các yếu tố tiếp theo là tỷ lệ ốm đau gia tăng, sự thay đổi về cơ cấu người di cư sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và dân số già hóa.

Theo báo cáo, sự thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, đồng thời làm giảm nguồn thu thuế dành cho các dịch vụ công. Nguồn cung lao động giảm còn có thể gây thêm áp lực lạm phát, khi các nhà tuyển dụng đành phải tăng lương để cạnh tranh tuyển lao động.

Tỷ lệ lạm phát đã giảm bớt từ mức cao nhất, hơn 11% trong tháng 10/2022, xuống còn 10,7% trong tháng 11/2022 nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Tăng trưởng tiền lương trung bình ở Anh đã tăng lên khoảng 6% trong những tháng gần đây, dù vẫn thấp hơn đáng kể so với lạm phát.

Báo cáo được Uỷ ban các vấn đề kinh tế Thượng viện Anh đưa ra trong bối cảnh nước này là quốc gia duy nhất thuộc các nước công nghiệp phát triển có tỷ lệ việc làm trước thềm năm 2023 vẫn ở dưới mức trước đại dịch COVID-19. Trong bài phát biểu hồi tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã nêu bật những rủi ro đối với nền kinh tế Anh và đã cho rà soát về sự tham gia của lực lượng lao động. Dự kiến cuộc khảo sát sẽ hoàn tất vào đầu năm mới.

Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo, sự suy giảm trong các dịch vụ công cộng những năm gần đây và danh sách chờ đợi cao kỷ lục của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) đang góp phần gây ra vấn đề, trong bối cảnh tỷ lệ ốm đau dài hạn tăng mạnh. Các số liệu riêng biệt từ Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) được công bố ngày 19/12 cho thấy, những người không tham gia hoạt động kinh tế ở độ tuổi từ 50- 65 đang cân nhắc quay trở lại làm việc thường ở nửa trẻ tuổi hơn.

"Những phát hiện này thực sự ảm đạm như khung cảnh giữa mùa Đông. Tình trạng trì trệ kinh tế gia tăng khiến việc kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn hơn, gây thiệt hại cho tăng trưởng và gây áp lực lên tài chính công vốn đã căng thẳng", Chủ tịch ủy ban các vấn đề kinh tế Thượng viện Anh George Bridges nói. Ông kêu gọi chính phủ Anh tìm hiểu rõ nguyên nhân và đánh giá liệu xu hướng này có kéo dài hay không.

Năm 2022, cơn bão lạm phát đã tấn công không chỉ nước Anh mà càn quét khắp thế giới. Hầu hết các nước thực hiện cơ chế lạm phát mục tiêu đều ghi nhận tỷ lệ này vượt mốc mà các ngân hàng trung ương đề ra, thậm chí liên tiếp vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, kể cả ở các nước phát triển. Có tới hơn 43% số quốc gia trên thế giới ghi nhận lạm phát ở hai chữ số. Riêng trong tháng 10/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 10,7% còn tại Anh lên tới 11,1%. Có 3 nguyên nhân chính được cho là "chất xúc tác" đẩy lạm phát lan rộng trên phạm vi toàn cầu năm 2022, gồm thiếu hụt nguồn cung, khan hiếm lao động sau đại dịch COVID-19 và các cú sốc giá cả liên tiếp.

Ngọc Tuấn