Print

Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Thứ Hai, 26 /12/2022 16:16

Quá trình chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới và là thị trường mới tiềm năng đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Theo Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), toàn quốc hiện có 1.904 cơ sở GDNN với 407 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Số cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị, chiếm 36%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh GDNN đạt khoảng 2,2 triệu người. Chất lượng và hiệu quả GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động- thể hiện qua con số hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm. Ở một số lĩnh vực, người học sau khi tốt nghiệp đã có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong đào tạo nghề, Tổng cục GDNN xác định, chuyển đổi số là một trong những giải pháp rất quan trọng. Chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN; tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết thêm, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động lớn đến hoạt động GDNN. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Cùng với đó, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của HSSV từ môi trường truyền thống lên môi trường số. “Quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng, nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động GDNN”- ông Bình chia sẻ.

Những năm qua, nhiều dự án, nội dung đầu tư của các cơ sở GDNN đã có nội dung chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn “mạnh ai nấy làm”, chưa có định hướng hoạt động cụ thể. Do vậy, Tổng cục GDNN đã định hướng các nhóm giải pháp để triển khai Chương trình Chuyển đổi số GDNN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, sẽ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng học thực hành số, chương trình, giáo trình số, ứng dụng thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế ảo hỗn hợp. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước về GDNN cần xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, phầm mềm quản lý phục vụ công tác quản lý, điều hành GDNN; điều hành hoạt động GDNN dựa trên hệ thống thông tin thông qua Trung tâm thông tin thích hợp (IOC); xây dựng và phát triển công cụ và triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số.

Với các cơ sở GDNN, sẽ tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế; xác định đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao đối với NLĐ trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số. Đặc biệt, số hóa hoạt động nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng; phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý HSSV, kết nối DN; đẩy mạnh đảm bảo chất lượng việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số; tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.

Nguyệt Hà