Print

Sức mạnh tài chính kỷ lục của phụ nữ châu Á

Thứ Ba, 27 /12/2022 09:19

Tổng tài sản của phụ nữ ở châu Á hiện nay cao thứ hai thế giới, nhưng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.

Lần đầu tiên trong lịch sử, khối lượng tài sản của phụ nữ ở châu Á ở mức cao hơn bất kỳ khu vực nào ngoại trừ Bắc Mỹ, và số tài sản này đang tăng với tốc độ nhanh nhất so với các khu vực khác. 

Theo phân tích của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) thực hiện cho tờ Nikkei Asia, vào năm 2026, phụ nữ châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá 27.000 tỷ USD, nhiều hơn 6.000 tỷ USD so với phụ nữ Tây Âu. Tổng tài sản của phụ nữ ở châu Á đã vượt qua Tây Âu vào cuối năm 2021.

Kể từ năm 2019, khối tài sản của phụ nữ châu Á đã tăng thêm 2.000 tỷ USD mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong ít nhất 4 năm tới với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,6%.

Sự gia tăng này một phần là do phụ nữ đang mạo hiểm dấn thân vào những công việc trước đây chỉ dành cho nam giới. Ngoài ra còn có các yếu tố mang tính cấu trúc như chế độ nghỉ thai sản và cấu trúc xã hội, bao gồm quyền sinh sản, chăm sóc trẻ em trong gia đình có ba thế hệ hoặc giá bảo mẫu rẻ hơn. Trình độ học vấn, mức độ đô thị hóa và du lịch gia tăng cũng định hình lại các tập tục giới tính.

Phân tích BCG được thực hiện dựa trên sự giàu có về tài chính, bao gồm quỹ đầu tư, bảo hiểm nhân thọ và lương hưu, cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết cũng như vốn chủ sở hữu khác. tiền tệ và tiền gửi, trái phiếu và các tài sản tài chính khác. BCG đã loại Nhật Bản khỏi bản phân tích, cho biết phụ nữ tại nước này chỉ nắm giữ một phần nhỏ tài sản quốc gia, ít hơn nhiều so với các thị trường tương đương. Bên cạnh đó, tốc độ tăng tài sản của phụ nữ ở Nhật Bản cũng chậm hơn nhiều và chỉ ở mức 2,6%.

Nội dung kể trên là phần đầu tiên trong loạt báo cáo gồm 5 phần của BCG. Những phần còn lại tập trung khám phá những động lực thúc đẩy sự giàu có ngày càng tăng, những tiến bộ phi thường mà phụ nữ châu Á đã đạt được cùng những rào cản của sự phân biệt đối xử có hệ thống vẫn còn tồn tại. Chuỗi phân tích chủ yếu được thu thập từ Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc và Sri Lanka.

Trong khi đó, theo danh sách tỷ phú hàng năm của Forbes, danh sách nữ tỷ phú tại châu Á đã tăng từ 13 người năm 2010 lên 92 tỷ phú vào năm 2022.

Tuy nhiên, 75% phụ nữ châu Á vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức, môi trường việc làm thường bấp bênh, lương thấp hơn và không được tiếp cận tốt với bảo trợ xã hội. Tỷ lệ này sẽ ngày càng cao khi những tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đẩy nhiều phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói. Ở Nam Á, các hình thức phân biệt đối xử xã hội cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Không ít phụ nữ phải đấu tranh trong chính gia đình bảo thủ của mình để được tự đi trên những con đường được coi là không chính thống.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết trong một báo cáo đo lường mức lương, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng tiếp cận vốn, đất đai và các dữ liệu khác rằng phụ nữ sẽ cần 151 năm để thu hẹp khoảng cách kinh tế với nam giới nếu không có gì thay đổi.

Hoàng Dương