Print

Các bệnh viện ở Đức nguy cơ mất khả năng chi trả vào năm 2023

Thứ Năm, 29 /12/2022 07:53

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Đức đang phải đối mặt với nguy cơ hoạt động cầm chừng do có thể rơi vào tình trạng mất khả năng tri trả trong năm 2023.

Liên đoàn Bệnh viện (DKG) Đức đã đưa ra cảnh báo như vậy hôm 27/12 sau cuộc khảo sát hằng năm của Viện Bệnh viện (DKI) với kết quả cho thấy chỉ có 6% bệnh viện ở nước này đánh giá tình hình tài chính hiện tại trong bệnh viện của họ là tốt, trong khi hơn 50% cho rằng hoạt động của họ sẽ tệ hơn nhiều trong năm 2023.

"Những khó khăn đang ngày càng hiện hữu tại các bệnh viện ở nhiều bang. Từ vài tháng trước, dịch vụ chăm sóc sức khỏe được dự báo không còn khả năng chi trả", Chủ tịch DKG Gerald Gass cho biết trong một thông báo.

Theo DKG, nhân lực trong các bệnh viện, đặc biệt là điều dưỡng, tiếp tục là một vấn đề đáng lo ngại. Từ giữa năm 2022, gần 90% bệnh viện ở Đức gặp khó khăn trong việc tuyển dụng cho các vị trí điều dưỡng vốn đang rất thiếu nhân sự ở hầu hết các khoa phòng. DKG cho biết, đối với nhiều bệnh viện, nguồn tài chính hoạt động thông qua các khoản trợ cấp nhà nước không còn đủ để giải quyết những khó khăng trong tương lai, trong khi một nửa số tiền đầu tư mà các bệnh viện đang sử dụng là do khu vực tư cung cấp.

Cùng với đó, số lượng bệnh viện ở Đức đã giảm mạnh trong 30 năm qua. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), năm 1991, Đức vẫn còn hơn 2.400 bệnh viện với khoảng 665.000 giường điều trị, nhưng cho đến năm 2021, con số này đã giảm xuống dưới 1.900 bệnh viện với

"Đại dịch COVID-19 và sự gia tăng gần đây của các bệnh về đường hô hấp cho thấy nước Đức cần một hệ thống bệnh viện quy mô và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đầy đủ", ông Gass nói.

Trong báo cáo hàng tuần, Viện Robert Koch (RKI) cho biết tổng số ca nhập viện ở Đức do viêm đường hô hấp cấp đang ở mức rất cao.

Mặc dù vậy, trong một tuyên bố đầu tháng 12/2022, Bộ trưởng Y tế Liên bang Karl Lauterbach vẫn khẳng định "các bệnh nhân có thể tin tưởng vào việc được chăm sóc y tế nhanh chóng và tốt ở mọi nơi, kể cả ở vùng nông thôn. Ông lý giải, y tế chứ không phải kinh tế sẽ quyết định việc điều trị của bệnh nhân.

Không chỉ riêng ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, nhiều lĩnh vực khác ở Đức, từ sản xuất cho tới dịch vụ công hiện đều rất thiếu lao động và đang chật vật xoay sở để lấp đầy đội ngũ nhân sự. Cơ quan Việc làm Liên bang nước này dự báo, tới năm 2035, lực lượng lao động của Đức sẽ giảm 7 triệu người do tình trạng già hóa dân số và nguồn nhân lực trong nước sẽ không cung cấp đủ.

Để giải quyết tình trạng này, hồi đầu tháng 12, chính phủ Đức đã nhất trí thông qua các điểm chính trong dự thảo luật nhập cư mới, sẽ ban hành trong năm 2023. Luật mới sẽ cho phép những người lao động có tay nghề cao được vào nước này một cách dễ dàng hơn sau khi đáp ứng được một số tiêu chí như kỹ năng ngôn ngữ, trình độ đào tạo hoặc kinh nghiệm chuyên môn. 

Hoàng Dương