Print

Phát triển thị trường lao động hiện đại, đáp ứng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Thứ Năm, 29 /12/2022 09:17

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức Tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến về các ưu tiên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động, xã hội giai đoạn 2022-2030.

Tại Tọa đàm, ông Lưu Quang Tuấn- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong lĩnh vực hợp tác về lao động, hàng trăm nghìn lượt NLĐ Việt Nam đã đi làm việc theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra nguồn thu nhập thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

Các dự án hợp tác quốc tế đã mang lại nhiều hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về lao động và xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo tốt các quyền an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm chia sẻ với quốc tế về quá trình phát triển trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Chia sẻ tại Tọa đàm, bà Hà Thị Minh Đức- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Trong thời gian qua, thị trường lao động được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức dưới 4% (từ năm 2016), thu nhập bình quân tăng (năm 2022 tăng 1,6 triệu đồng); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,3%... Cùng với đó, độ bao phủ BHXH, BH thất nghiệp đã được mở rộng với tỷ lệ tham gia đạt 37,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi...

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đã có nhiều giải pháp đột phá về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực được cả thiện, với gần 67% lao động đã qua đào tạo. Mặt khác, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm dần qua các năm, tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, cận nghèo là 4,15%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4- 5%/năm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề xã hội cần tiếp tục tập trung giải quyết, đó là tình trạng phụ nữ và trẻ em bị bóc lột, phổ cập nước sạch, vệ sinh môi trường, cộng đồng DTTS, người khuyết tật, xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, tăng mức hưởng lợi của các nhóm dễ tổn thương với BHYT...

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cho rằng, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực; phát triển văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại và hiệu quả; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống; mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới để tăng cường nguồn lực, học tập kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam…

Nguyệt Hà