Print

Đảm bảo an sinh xã hội qua chính sách BHXH, BHYT

Thứ Sáu, 30 /12/2022 14:22

Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương có sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác an sinh xã hội. Đây cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách của tỉnh... Trao đổi với Tạp chí BHXH, ông Lê Ngọc Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Hà Tĩnh cho biết:

- Chúng tôi luôn xác định BHXH, BHYT là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, được cả hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đặc thù của Hà Tĩnh là có đến 78% dân số sống ở vùng nông thôn, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy một trong những nhiệm vụ mà tỉnh hết sức quan tâm, đó là phải thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho người dân, mà cụ thể là phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước.

Điều này được tỉnh thực hiện thông qua việc đưa chỉ tiêu tỷ lệ lao động tham gia BHXH, tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào Nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội hằng năm; qua việc ban hành chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho người từ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình từ năm 2016; hỗ trợ mức đóng cho lao động tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2020...

Từ những chính sách này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đến từng huyện; UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu đến từng phường, xã; UBND phường, xã giao chỉ tiêu đến từng tổ chức dịch vụ thu và nhân viên thu BHXH, BHYT để tổ chức thực hiện. Định kỳ hằng quý tổ chức đánh giá, tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn để công tác BHXH, BHYT thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, hằng năm UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo xuyên suốt, thống nhất từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn...

Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, số người tham gia BHXH, BHYT tăng dần qua các năm. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng trưởng bền vững, đến nay đã đạt trên 92%; tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện có bước tăng trưởng rõ nét, từ 1,8% vào năm 2019 thì nay đã đạt 7,5% lực lượng lao động, tăng gấp 3 lần mục tiêu đến năm 2025 của Nghị quyết 28-NQ/TW, đưa tỷ lệ bao phủ lao động tham gia BHXH nói chung đạt 21,6%, vượt 0,6% điểm phần trăm so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao năm 2022.

* PV: Theo ông, hoạt động của cơ quan BHXH trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt được hiệu quả như kỳ vọng của chính quyền địa phương?

- Ông Lê Ngọc Châu: UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của cơ quan BHXH, từ việc chủ động tham mưu ban hành chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện, đổi mới các hoạt động nghiệp vụ, cải cách TTHC đến việc chủ động chuyển đổi tác phong làm việc sang phục vụ, hướng tới sự an tâm, tin tưởng, hài lòng của người dân, tổ chức, DN trong công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.

BHXH tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các sở, ban, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương để triển khai thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; hằng năm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao. Hàng chục nghìn người được chi trả chế độ BHXH kịp thời, an toàn, đúng đối tượng; phối hợp các cơ sở y tế chi trả chi phí KCB cho hàng trăm nghìn lượt người có thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người dân, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của tỉnh nhà.

Đặc biệt, trong công tác CCHC, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, BHXH tỉnh được đánh giá là đơn vị đứng top đầu trong toàn tỉnh, đã đưa ứng dụng VssID-BHXH số để cài đặt trên thiết bị điện thoại di động cho người dân, tạo điều kiện cho mỗi người tham gia tự quản lý dữ liệu, quá trình đóng nộp BHXH, BHYT của mình, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng thay thế thẻ BHYT giấy khi đi KCB. Mức độ hài lòng của người dân được đánh giá trên 90%.

Ngoài hoạt động chuyên môn, BHXH tỉnh tham gia tích cực các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức; các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên của BHXH tỉnh cũng được đánh giá là tổ chức xuất sắc. Thời gian tới, tôi tin tưởng tập thể lãnh đạo BHXH tỉnh sẽ tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tham mưu giúp tỉnh thực hiện thành công mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

* Để mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ông có thể cho biết Hà Tĩnh sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác này như thế nào ?

- Hiện nay việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có những điểm không thuận lợi như công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp do các dự án mới chậm được triển khai; việc dịch chuyển lao động trong độ tuổi lao động ra khỏi địa bàn vẫn tiếp tục diễn ra, lao động khai thác từ rà soát dữ liệu thuế chủ yếu là dịch chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, thực chất tăng mới không nhiều.

Về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, có thể nói giai đoạn 2020-2022 là “thời kỳ vàng” về tăng trưởng người tham gia (trong 3 năm tăng hơn 41.000 người), đưa tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH đạt 7,5% lực lượng lao động của toàn tỉnh (cao gấp 3 lần so với mục tiêu đến năm 2025; cao gấp 1,5 lần so với mục tiêu đến năm 2030 của Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH); những đối tượng có tiềm năng về cơ bản đã được vận động tham gia, vì vậy những năm tiếp theo việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện sẽ găp nhiều khó khăn.

Hiện tỷ lệ người dân được NSNN hỗ trợ đóng BHYT chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người tham gia toàn tỉnh (chiếm 23%), do vậy hằng năm, ngân sách tỉnh phải cân đối kinh phí để hỗ trợ một phần mức đóng cho các nhóm đối tượng: hộ làm nông lâm ngư diêm nghiệp có thu nhập trung bình, hộ cận nghèo, người cao tuổi (nhóm này chiềm 43% số người ham gia). Chính sách này được thực hiện đến năm 2025, tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT khi ngân sách tỉnh thôi hỗ trợ. 

Trước khó khăn này, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp phải tiếp tục quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH, các Chỉ thị, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về chính sách BHXH, BHYT đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức triển khai thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 69/NQ-CP của Chính phủ. Giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho các địa phương thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quán triệt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Yêu cầu các sở, ban, ngành tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin về dữ liệu lao động, dữ liệu dân cư để phục vụ công tác khai thác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo hướng bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao. Khuyến khích các địa phương tiếp tục cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để có chính sách hỗ trợ và quan tâm ưu tiên hỗ trợ các nhóm người yếu thế trong xã hội nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Lương Thảo (Thực hiện)