Print

Mang an sinh đến lao động phi chính thức

Thứ Hai, 02 /01/2023 11:31

Không có kỹ năng nghề nghiệp, không tham gia tổ chức, đoàn thể, nên nhiều lao động phi chính thức luôn gặp khó khăn trong cuộc sống. Bởi vậy, nỗ lực bao phủ các chính sách an sinh, trong đó có chính sách BHXH tự nguyện đến nhóm đối tượng này là giải pháp đang được các cấp, các ngành tập trung thực hiện.

Nỗi lo của NLĐ nghèo

Bà Nguyễn Thị Lan (quê ở Lạng Giang, Bắc Giang) lên Hà Nội mưu sinh đã gần 10 năm. Ban đầu, bà Lan xin làm rửa bát, dọn dẹp cho một quán ăn. Được gần 5 năm, sức khỏe không cho phép, nên bà xin nghỉ. Một hàng xóm ở khu trọ đã hướng dẫn bà theo nghề thu mua phế liệu. Gần 5 năm nay, ngày nào bà Lan cũng đạp xe đi khắp các ngõ ngách trên địa bàn Hà Nội để thu mua phế liệu để dành dụm lo việc học hành cho con.

Ảnh minh hoạ

Bà Lan chia sẻ, những lao động tự do như bà sợ nhất ốm đau, nên hầu như không bao giờ đi khám sức khỏe. Có đau đầu, sổ mũi hay cảm sốt đều tự mua thuốc về uống. Khi nhắc đến việc tham gia BHXH tự nguyện, bà Lan bảo: “Tôi cũng muốn lắm, mong có chút chế độ khi ốm đau, nhưng việc này vượt quá khả năng. Tôi còn đang chạy từng bữa ăn, thì lấy đâu ra tiền tham gia BHXH...”.

Anh Vũ Ngọc Minh sau khi tốt nghiệp một trường CĐ nghề ở Ninh Bình nhưng không xin được việc làm. Sau đó, anh lên Hà Nội ở trọ cùng anh họ và làm nghề xe ôm công nghệ. “Vào nghề” được gần một năm nay, thu nhập hiện tại cũng giúp anh đủ sống và có thêm chút tích lũy để làm vốn. “Tôi bị bệnh cột sống, nên không thể theo công việc này lâu dài. Tiền kiếm được tôi chi tiêu tằn tiện để tích lũy, mục tiêu làm vài năm nữa sẽ về quê buôn bán”- anh Minh chia sẻ.

Do bị bệnh, tiền thuốc mỗi tháng tốn gần 1 triệu đồng, nhưng do không tham gia BHYT, nên anh Minh tự chi phí 100% điều trị bệnh. Thậm chí, đơn thuốc anh đang dùng đã được bác sĩ kê gần 4 năm. “Tôi không dám đi khám lại để lấy đơn mới, vì biết mỗi lần khám lại tốn cả triệu đồng”- anh Minh buồn bã nói.

Khác với bà Lan và anh Minh, chị Ngô Thị Tân (Thường Tín, Hà Nội) bán hoa quả tại một chợ dân sinh đã 10 năm nay chia sẻ: “Mặc dù thu nhập còn nhiều khó khăn, nhưng tôi đều dành dụm tiền để hằng tháng tham gia BHXH tự nguyện và cũng mua thẻ BHYT đầy đủ. Công việc của tôi cố gắng chỉ có thể làm thêm vài năm nữa, đến khi không đủ sức bán hàng còn có chỗ trông vào, chứ không thể phụ thuộc con cái”.

Mặc dù thu nhập thấp, công việc vất vả, thời gian làm việc không cố định, nhưng anh Đỗ Ngọc Tuấn (Văn Giang, Hưng Yên) nhân viên của một cửa hàng bánh ngọt ở Hà Nội cũng đã tham gia BHXH tự nguyện được gần 4 năm nay. Anh Minh cho biết, dù mức lương hằng tháng không cao, nhưng anh vẫn dành ra một khoản để tham gia BHXH tự nguyện. Anh bảo, biết đến BHXH tự nguyện, anh tham gia để mong đến khi không còn sức khoẻ, không kiếm được tiền sẽ yên tâm có lương hưu.

Thay đổi cách tiếp cận với lao động phi chính thức

Theo bà Nguyễn Thu Giang- Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn, hỗ trợ rất nhiều cho lao động tự do, nhất là lao động nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia loại hình bảo hiểm này đến nay vẫn chưa cao. Lý giải điều này, bà Giang cho rằng, tính ưu việt của BHXH tự nguyện chưa được nhiều người nhận thức đúng đắn, trong khi gói BHXH tự nguyện cũng chưa thực sự phù hợp với mong muốn của họ. Với 70% lao động đang sinh sống tại nông thôn, nếu không có bảo hiểm, thì trong tương lai, gánh nặng sẽ đổ lên vai con cái họ. Nhiều gia đình thậm chí xảy ra mâu thuẫn, lục đục, mất tình cảm chỉ vì gánh nặng kinh tế khi cha mẹ về già.

Theo thống kê, nước ta hiện có gần 40 triệu lao động không có HĐLĐ. Đây là nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia. Đó sẽ trở thành gánh nặng lớn cho xã hội khi những lao động này hết tuổi lao động. Vì vậy, bà Giang cho rằng, để giải quyết câu chuyện BHXH tự nguyện, không đơn thuần chỉ là mặt chính sách, mà còn phải nghiên cứu chính đối tượng mà chính sách tác động đến, nhất là phải có thêm những giải pháp kích cầu và tăng thêm quyền lợi cho người tham gia.

TS.Lê Duy Bình- Chuyên gia kinh tế (Economica Việt Nam) cũng nhận định, khu vực kinh tế phi chính thức đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó, đóng góp lớn nhất là tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 70% lao động. “Ðể giảm bớt sự bấp bênh về an sinh cho lao động phi chính thức, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ BHXH, mở rộng khu vực kinh tế chính thức, nâng cao quyền của NLĐ. Cần hướng tới tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc, chứ không phải là tự nguyện như hiện nay”- ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện ngày càng có nhiều lao động không có quan hệ lao động- được thể hiện qua hình thức HĐLĐ có tính ổn định dài hạn. Ðồng thời, những lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao, lao động trên các nền tảng công nghệ ngày càng đông đảo về số lượng. Do vậy, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để họ tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là họ phải có HĐLĐ. “Nói cách khác, là chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ, mà không cần phải chuyển vào khu vực kinh tế chính thức”- ông Bình đề xuất.

Đưa ra các số liệu và phân tích cụ thể, ông Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương. Ðiều đáng nói, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH (chiếm tới 97,9%), chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Thực tế này cho thấy, lao động khu vực phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi, vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về lao động…

Vì vậy, ông Bùi Sỹ Lợi kiến nghị cần sửa đổi một số luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động, nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các DN NVV và siêu nhỏ (Luật Việc làm); đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức (Luật BHXH). “Cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực DN...”- ông Lợi đề nghị.

Thủy Hà