Print

Nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam

Thứ Năm, 12 /01/2023 12:38

Sáng 12/1, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2019 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề án “Nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo đối với viên chức ngành BHXH gắn với kết quả hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, độc lập với NSNN”, do Vụ TCCB chủ trì thực hiện, ông Lê Hùng Sơn- Phó Tổng Giám đốc làm Chủ nhiệm Đề án. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hoà- Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Trình bày Đề án, ông Nguyễn Hữu Thành- Vụ trưởng Vụ TCCB cho biết, Ban soạn thảo thực hiện Đề án đã hoàn thành 5 nội dung, 136 chuyên đề nghiên cứu. Theo đó, xây dựng thuyết minh Đề án, các cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Đề án. Đồng thời, đưa ra thực trạng chế độ tiền lương, vị trí việc làm và việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, CCVC, NLĐ trong hệ thống BHXH Việt Nam. Qua đó, đưa ra được các đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo đối với CCVC; xây dựng Bảng tiêu chí đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân ngành BHXH Việt Nam.

Cụ thể, trên cơ sở Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Công văn số 516/BNV-TL của Bộ Nội vụ, xác định việc xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm cho khu vực công là tất yếu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và điều kiện thực tế đặc thù của các cơ quan có tiền lương tăng thêm cho thấy, bên cạnh tiền lương, còn sử dụng phụ cấp, tiền thưởng... để bổ sung thu nhập nhằm tạo động lực, bù đắp cho CCVC...; cũng như tạo sự tương đồng về thu nhập của khu vực công với khu vực tư nhân.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm phải gắn với hiệu quả công việc và để làm được điều đó cần phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá đối với đơn vị, cá nhân cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả thực chất, việc đánh giá gắn với các điều kiện đặc thù, các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam.

Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành BHXH Việt Nam, Ban soạn thảo đã chỉ ra rằng, mặc dù khối lượng công việc ngày càng gia tăng và mức độ, yêu cầu ngày càng cao, nhưng số lượng biên chế của Ngành ngày càng giảm (giảm 10% trong giai đoạn 2016-2021). Bên cạnh đó, quy định về hệ thống vị trí việc làm của ngành BHXH Việt Nam đã không còn phù hợp với thực tiễn, một số vị trí việc làm đã điều chỉnh, gộp hoặc thay thế, song nhiều vị trí việc làm phát sinh mới lại chưa được quy định. Chính sách tiền lương nói chung đã bộc lộ nhiều bất cập, còn mang nặng tính bình quân.

Mặc dù ngành BHXH Việt Nam đã có quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng CCVC gắn với tiền thưởng và lương; tuy nhiên chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của NLĐ. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đánh giá và trả lương, thưởng gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của CCVC, NLĐ.

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định của Đảng, Nhà nước song còn hạn chế trong việc đánh giá chính xác kết quả đối với từng cá nhân. Một số tiêu chí đánh giá của ngành BHXH Việt Nam đã được định lượng song còn chưa nhiều, các nhiệm vụ của cá nhân chưa được cụ thể hóa trong bảng mô tả vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển dụng, giao nhiệm vụ, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật…

Từ thực trạng trên, Ban soạn thảo Đề án cũng đã đưa ra một số đề xuất như: Hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; đề xuất khung danh mục các chức danh và chức vụ lãnh đạo; bổ sung khung danh mục vị trí việc làm nhóm chuyên môn, nghiệp vụ; cụ thể hóa danh mục vị trí việc làm trong từng đơn vị của BHXH Việt Nam. Xây dựng tiêu chí và thực hiện đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị trong ngành như phương pháp đánh giá xếp loại theo tiêu chí áp dụng đối với từng đơn vị, từng vị trí việc làm của CCVC, NLĐ…

Ban soạn thảo cũng tham mưu một số nội dung như: Quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam; ban hành văn bản quy định xây dựng đánh giá xếp loại theo Hệ thống chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của BHXH Việt Nam; báo cáo Bộ Nội vụ cân đối, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét về bảng lương đối với CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam phù hợp với mục tiêu cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề án được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có chiều sâu; nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ. Đề án cũng đã làm rõ được mặt lý luận, trong đó tham khảo kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam tại các đơn vị có tính tương đồng phù hợp với thực tiễn của Ngành. Cùng với đó, Đề án mang ý nghĩa thực tiễn cao, phục vụ thiết thực cho việc hoạch định và ban hành các chính sách trong tương lai, phục vụ đắc lực cho thực hiện các quy định, yêu cầu của Đảng và Nhà nước, thực thi nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, hoàn thiện và đề xuất phương án trả lương theo vị trí việc làm, phù hợp với bối cảnh chung của đất nước.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để Ban soạn thảo có thể bổ sung, hoàn thiện Đề án, sớm áp dụng trong thực tiễn để mang lại hiệu quả cao.

Nhất trí với những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề án. Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, xây dựng bảng lương phù hợp với vị trí việc làm là một nội dung đặc biệt quan trọng. Đây là đề án đang được quan tâm và Ban Chủ nhiệm đã thực hiện công phu, nghiêm túc, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. “Đề án vừa mang tính khoa học, đồng thời mang ý nghĩa thực tiễn lớn, là cơ sở góp một phần thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhất trí cao đánh giá Đề án đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu thông qua. “Ban Chủ nhiệm Đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện trong thời gian sớm nhất”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Thủy Hà