Print

TP.HCM: Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền

Chủ nhật, 15 /01/2023 18:08

Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP.HCM luôn được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây vẫn còn nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, đặc biệt vào những dịp Tết Nguyên đán.

Theo ông Lê Minh Hải- Phó Trưởng BQL ATTP TP.HCM, hiện nay, sản lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh đưa về tiêu thụ tại TP.HCM với số lượng lớn và tập trung chủ yếu vào 3 chợ đấu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức. Nhằm phối hợp kiểm soát thực phẩm từ nguồn và kết nối các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ, BQL phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh Bà Rịa-Vùng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long… quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP.

Cũng theo ông Hải, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát, việc mua sắm thực phẩm không còn bị hạn chế. Tuy nhiên, việc chọn mua thực phẩm trực tuyến nói chung và qua mạng xã hội nói riêng đã trở thành thói quen mua sắm của một bộ phận người tiêu dùng vì những thuận tiện mà nó đem lại. Cụ thể, trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo…), người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm thực phẩm, được các cá nhân giới thiệu nhà làm, từ món ăn vặt đến món ăn chính được nấu sẵn. Các thực phẩm này vô cùng đa dạng và phong phú, với đủ các mức giá phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng từ trẻ em, HSSV đến những người đi làm bận rộn.

Cùng với đó, đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm "nhà làm" chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng, do thói quen, nên vẫn có người mua hàng handmade mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu. Các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới hình thức này thường không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về ATTP. Trong khi đó, việc trao đổi giao thương giữa người mua và người bán chủ yếu dựa vào niềm tin, nên cơ quan nhà nước khó kiểm soát và hướng dẫn các quy định về ATTP...

Từ thực tế này, để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi sử dụng thực phẩm nhà làm, mọi người cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu của sản phẩm thực phẩm như: Thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của người bán, điện thoại, email… Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm thực phẩm; tìm hiểu thông tin phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm của cơ sở; xem sản phẩm trước khi thanh toán để có đánh giá cảm quan chất lượng sản phẩm và kiểm tra lại thông tin sản phẩm…

“Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn thực phẩm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng đáp ứng các quy định về đảm bảo ATTP”- ông Hải khuyến cáo.

Về công tác đảm bảo ATTP trong và sau Tết Quý Mão 2023, ông Lê Minh Hải cho biết, BQL ATTP TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong khoảng thời gian này; tăng cường tuyên truyền, sử dụng các sản phẩm từ cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, có địa điểm kinh doanh buôn bán rõ ràng, tránh sử dụng sản phẩm buôn bán trôi nổi.

Đặc biệt, đối với việc ngăn chặn các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, đòi hỏi cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội và phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP. Qua đó, vận động, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đảm bảo ATTP, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm…

Đăng Khoa