Print

Vĩnh Phúc: Giải quyết việc làm cho hơn 19.700 lao động

Thứ Ba, 17 /01/2023 16:26

Những năm qua, công tác giải quyết việc làm tại Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lao động, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, góp phần đảm bảo ASXH.

Theo đó, hoạt động thu hút đầu tư được chú trọng, đã có nhiều DN quy mô lớn đầu tư vào Vĩnh Phúc, nhu cầu tuyển lao động cao, hoạt động dịch vụ, du lịch được quan tâm, tạo ra nhiều việc làm mới cho NLĐ. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều DN mới đi vào hoạt động sản xuất, tuyển nhiều lao động vào làm việc.

Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND trình HĐND tỉnh ban hành và thực hiện nhiều quyết định, kế hoạch, nghị quyết, đề án, văn bản chỉ đạo thực hiện cơ chế chính sách về lao động, việc làm như nghị quyết quy định chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho NLĐ và hỗ trợ một số chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Đề án Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025; Đề án Nâng cao đời sống công nhân, NLĐ trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026…

Cùng với việc chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, các cấp, ngành chức năng và các địa phương luôn chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin cung- cầu lao động, nhằm kịp thời kết nối thông tin giữa nhà tuyển dụng đến NLĐ có nhu cầu việc làm nhanh chóng, thuận tiện; tiếp tục thực hiện chính sách xuất khẩu lao động ra các quốc gia trong khu vực.

Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ NLĐ tìm việc làm phù hợp với trình độ, ngành nghề chuyên môn, độ tuổi; hỗ trợ các nhà đầu tư đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động, trong đó ưu tiên lao động là người địa phương.

Sở LĐ-TB&XH chủ động thu thập thông tin cung - cầu lao động theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo giải quyết việc làm tỉnh; khảo sát tình hình sử dụng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, kế hoạch tuyển dụng lao động hằng năm của DN để hỗ trợ, cung ứng lao động cho DN. Các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm được tổ chức đa dạng với các hình thức như sàn giao dịch việc làm trực tiếp, phiên giao dịch việc làm lưu động, sàn giao dịch việc làm trực tuyến…

Công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, việc làm bền vững cũng được chú trọng với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng như đẩy mạnh đào tạo lao động theo nhu cầu, mục tiêu của DN, từng bước chú trọng đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; quan tâm đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và các đối tượng chính sách khác, gắn đào tạo với giải quyết việc làm bền vững.

Quy mô, mạng lưới, chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng được mở rộng, nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao trình độ kỹ năng nghề, thu nhập cho NLĐ và ổn định xã hội.

Với việc tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo cùng sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và cộng đồng DN, công tác giải quyết việc làm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có hơn 248.560 lao động làm việc trong các DN. Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 19.700 lao động (đạt 116,1% kế hoạch năm); tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm qua các năm.

Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, việc thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao phúc lợi, chất lượng đời sống của người dân nói chung và NLĐ nói riêng; giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, góp phần đảm bảo ASXH, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

T.Hà