Print

Đến với dân, dân thương, dân quý

Thứ Sáu, 20 /01/2023 17:30

Ăn vội ổ bánh mì, ăn tạm tô mì tôm… trong lúc chờ bà con đến là hình ảnh thường thấy mỗi khi BHXH huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) về với thôn, bản, khóm, làng tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Chính sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao của những cán bộ BHXH đã thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia vào hệ thống BHXH…

Dệt lưới an sinh nơi vùng biên

Hướng Hoá là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Trị, với 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã, thị trấn biên giới với 3 dân tộc anh em cùng sinh sống (Vân Kiều, Pa Cô, Kinh). Sau hơn một giờ rong ruồi, chúng tôi mới đến được Khe Sanh; và nói như anh Nguyễn Quang Hải-Giám đốc BHXH huyện, thì anh em đến với Hướng Hoá ngày mưa mới thấm được tình người, mới hiểu đặc thù của vùng biên còn đầy gian khó, nhất là để thấy được việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nơi đây cũng rất “khác”.

Theo anh Hải, để lan tỏa chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào, cán bộ BHXH huyện phải bám làng, bám bản, nhờ người có uy tín biết tiếng đồng bào để phiên dịch. Đặc biệt, BHXH huyện đã chủ động tham mưu để UBND huyện thành lập BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện và xã để phối hợp hoạt động hiệu quả, nhất là để tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Theo đó, các hội nghị được tổ chức linh hoạt, phù hợp từng bản, địa bàn dân cư và được tuyên truyền bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng DTTS. “Cán bộ BHXH cùng các trưởng thôn, trưởng bản đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS, nên đã xóa bỏ được khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ”- anh Hải chia sẻ.

Anh Hoàng Đức Thành- Phó Giám đốc BHXH huyện Hướng Hóa cũng cho biết, trước khi tổ chức hội nghị tuyên truyền, BHXH huyện đều làm việc với UBND xã để lên kế hoạch cụ thể; sau đó UBND xã sẽ thông báo, chọn đối tượng “đích” để gửi giấy mời người dân đến Nhà Văn hóa, Nhà Cộng đồng để tuyên truyền. Bên cạnh đó, do bà con chủ yếu đi làm nương rẫy, nên BHXH và Bưu điện huyện chia các nhóm nhỏ về tận các thôn, bản triển khai vào các buổi tối nên đã đem lại hiệu quả cao. “Khi bà con đã tin tưởng tham gia, thì người này sẽ lan tỏa đến người kia. Vì vậy, chưa có buổi tuyên truyền nào có dưới 10 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, thậm chí có buổi chỉ hơn 10 người tham dự nhưng có tới 17 người đăng ký tham gia, có nhà tham gia cho cả 2 vợ chồng, có nhà tham gia cho 5 người…”- anh Thành thông tin thêm.

Tham dự buổi tuyên truyền tại khóm Cao Việt, chị Võ Thị Thúy- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo nói rằng “rất ấn tượng với hình ảnh cán bộ BHXH không ngại khó, ngại khổ, luôn mong muốn chính sách BHXH đến với mọi người dân”. “Hôm đó hết giờ làm ở xã, mình đến khóm Cao Việt khi đã tối muộn, bà con còn chưa đến nhưng cán bộ BHXH đã chuẩn bị chu đáo ghế ngồi, máy chiếu, phông bảng… Ấn tượng nhất với mình chính là các cán bộ BHXH ăn vội ổ bánh mì trong lúc nghỉ ngơi- đây là minh chứng cho sự vào cuộc của BHXH huyện. Điều này cũng thể hiện sự thương nhau, quý nhau để cùng nhau làm tốt công tác BHXH. Người dân thương, quý cán bộ nên đã tham gia BHXH”- chị Thúy chia sẻ và cho biết thêm, buổi tuyên truyền tại khóm Cao Việt hôm đó có tới 20 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Đặc biệt, khóm trưởng Nguyễn Hữu Lãm đã đăng ký và đóng một lần cho 5 năm với hơn 140 triệu đồng. “Mấy năm trước tôi về tận Đông Hà xin được đóng BHXH nhưng không được, nên khi cơ quan BHXH triển khai chính sách đến tận khóm, tôi vui mừng lắm. Bây giờ mong muốn duy nhất của tôi là có sức khoẻ để làm ăn, sau khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu, có tiền cho con cháu và không phải xin tiền vợ đi cà phê với bạn bè…”- ông Lãm cho biết.

Có BHXH là có tất cả

Bà Nguyễn Thị Thương là một trong 30 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại hội nghị tuyên truyền ở bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo). Trước đây, bà Thương đã tham gia một vài loại hình bảo hiểm thương mại, nhưng trong lòng bà vẫn cảm thấy không yên tâm. Tại hội nghị tuyên truyền do BHXH huyện Hướng Hóa tổ chức, bà Thương cùng 8 anh chị em trong nhà đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, với lý do rất đơn giản “BHXH do Đảng triển khai cho người dân”. “Năm 2013, tôi bị gãy xương lưng phải điều trị hơn một tháng. Trong khi các hợp đồng bảo hiểm thương mại chỉ thanh toán cho tôi chút ít tiền, trong khi thẻ BHYT do Nhà nước cấp chi trả đến 80% chi phí. Giờ có BHXH tự nguyện nên tôi quyết tham gia và tin tưởng vào chính sách của Nhà nước, bởi đến lúc hết tuổi lao động đã có BHXH lo”- bà Thương chia sẻ.

Như để xua tan cái lạnh đầu đông, anh Hải bảo: “Đến Lao Bảo gặp chị Võ Thị Thuý- Phó Trưởng BCĐ thị trấn sẽ biết nhiều cái hay lắm, cái chi cũng biết ha. Dự buổi tuyên truyền đầu tiên, nghe Thúy nói về BHXH, BHYT, đến Hải còn run, bởi đúng quá, quá tâm huyết”. Quả đúng như lời anh Hải, mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Thuý đã khẳng định: “BHXH, BHYT là của Đảng và Nhà nước; các cấp chính quyền vào cuộc triển khai là thể hiện trách nhiệm với Đảng, trách nhiệm với bà con. Bà con rất tin tưởng vào chính quyền, chính sách được chính quyền triển khai luôn đem lại lợi ích cho bà con…”.

Cũng theo chị Võ Thị Thúy, những cán bộ cơ sở luôn xác định rõ trách nhiệm của mình phải thực đúng chủ trương, chính sách của Đảng, trong đó có chính sách BHXH, BHYT. Chính vì vậy, UBND thị trấn đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên BCĐ. UBND thị trấn cũng xác định, muốn tuyên truyền, vận động hiệu quả, thì phải về địa bàn khu dân cư nhỏ nhất, bởi sự tương tác càng nhỏ thì hiệu quả càng lớn. “Về đó lắng nghe ý kiến của bà con, 11 khóm/bản là 11 cách đặt vấn đề khác nhau, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của bà con. Mình không phụ trách địa bàn nào, nhưng tất cả các hội nghị mình đều có mặt. Các hội nghị về mặt chuyên môn BHXH sẽ triển khai, khi chính quyền vào cuộc chắc chắn người dân sẽ nghĩ chính sách này khác hơn các hình thức bảo hiểm khác và niềm tin vào chính sách sẽ lớn hơn”- chị Thúy khẳng định.

Nữ Trưởng BCĐ thị trấn Lao Bảo còn cho biết thêm: “Tuyên truyền ở các khóm/bản có đặc thù là “mang” BHXH huyện ra để tạo lòng tin với người dân. Đơn cử, tại một hội nghị, Thuý hỏi bà con có ai không có BHYT không? Có ai phải bỏ tiền ra mua không? Bà con có biết cơ quan nào trực tiếp cấp thẻ BHYT không?... Cứ như vậy, bà con nghĩ ngay đến BHXH huyện đã cấp BHYT cho mình, thì chắc chắn BHXH tự nguyện cũng đảm bảo uy tín, đảm bảo quyền lợi cho mình. Chỉ đơn giản như vậy, nên tại buổi tuyên truyền ở bản Ka Tăng có người đóng BHXH tự nguyện 5 năm liền với số tiền 128 triệu đồng, ngoài ra có 35 người tham dự thì có đến 30 người đăng ký tham gia BHXH. Bà con bảo đóng vậy cho cán bộ đỡ khổ, cán bộ không phải đi thu tiền nhiều”.

Chia tay Lao Bảo, tạm biệt Khe Sanh, chúng tôi đi dọc theo các xã Lìa, Thanh, Thuận, Xy, A Dơi của huyện Hướng Hóa và các xã dọc Quốc lộ 9- đường Trường Sơn như: Hướng Hiệp, thị trấn Krông-Klang, A Ngo, Tà Rụt (Đa Krông). Tới đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được rõ sự đổi thay trong cuộc sống của người dân. Đó là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối trải dài trên các triền đồi; những vườn cà phê, xoài, tiêu tươi tốt; xen đó là những ngôi nhà kiên cố lợp ngói đỏ. Nói như chị Thuý, mai sau chính sách BHXH sẽ lan toả đến với nhiều người dân hơn và việc chúng ta làm chính là để 10-15 năm sau, tất cả những người tham gia BHXH tự nguyện hôm nay đều được hưởng trái ngọt an sinh.

Thực hiện: Nguyệt Hà

Trình bày: Hà Hùng