Print

Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ song song với phát triển kinh tế

Thứ Bảy, 21 /01/2023 14:54

Các quyết sách của Quốc hội thuộc lĩnh vực do Ủy ban Xã hội phụ trách đã bảo đảm mục tiêu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện...

Nhìn lại những kết quả đáng chú ý trong năm 2022 của Ủy ban Xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội dần được phục hồi; tuy nhiên đất nước vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Ủy ban vẫn bảo đảm hoàn thành những nhiệm vụ theo kế hoạch cũng như những nhiệm vụ phát sinh đột xuất.

Theo đó, trong hoạt động lập pháp, đã có 3 dự án luật đã được Quốc hội thông qua. Cụ thể: Dự án Luật Thi đua-Khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024; dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Trong hoạt động giám sát, ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần ổn định, Ủy ban đã chủ động tổ chức giám sát 2 chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH giai đoạn 2016-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế-xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội. Kết quả giám sát góp phần làm căn cứ để thẩm tra các đề xuất về chính sách BHXH cũng như việc thực hiện quy định tại Khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tương đối đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội... đã được ban hành để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phòng chống dịch bệnh và duy trì, phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đòi hỏi Quốc hội, Ủy ban TVQH và các cơ quan của Quốc hội phải luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ hoạch định, ban hành các chính sách đột xuất, đặc thù để kịp thời giải quyết những vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách.

Đáng chú ý, bảo đảm an sinh xã hội được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, song song với phát triển kinh tế và là mục tiêu thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện, bền vững. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tầm quan trọng của chính sách xã hội trong phát triển đất nước, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị-xã hội và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Chính vì vậy, thời gian qua, chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Các chính sách xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất. Qua đó, cơ bản bảo đảm tốt hơn các quyền tiếp cận và sử dụng các loại hình bảo hiểm; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh cũng cho rằng, hệ thống pháp luật về chính sách xã hội cũng còn một số hạn chế như: Pháp luật về an sinh xã hội tuy bước đầu mở rộng phạm vi bao phủ, nhưng mức trợ cấp còn thấp, chưa theo kịp nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và tăng nhanh đối tượng thụ hưởng. Pháp luật về y tế, chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân dân, BHXH, việc làm chưa được hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền; hộ nghèo mới phát sinh còn cao...

Do đó, Ủy ban Xã hội hướng tới xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bảo đảm bền vững, công bằng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ với nhau; Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, DN và người dân tham gia để tăng cường tính lan tỏa và hiệu ứng tích cực khi triển khai các chính sách an sinh xã hội; đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh...

Bà Nguyễn Thúy Anh chia sẻ thêm, năm Quý Mão 2023 là năm bản lề trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó thực hiện tốt an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Trên cơ sở đó, Ủy ban Xã hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo như sau: Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013 trong công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật. Chú trọng thực hiện chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thụ hưởng phúc lợi xã hội toàn diện, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Đặc biệt, trong năm 2023, Ủy ban Xã hội tiếp tục thực hiện toàn diện các nội dung, chương trình công tác được giao năm 2022, tập trung trọng tâm đối với các nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo các Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và Ủy ban TVQH. Cụ thể: Hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Tiếp tục hoàn thiện việc tổng kết thực hiện một số luật: Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật BHYT, Pháp lệnh Dân số và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm…

Nguyệt Hà