Print

Quyết tâm ngày đầu năm

Chủ nhật, 22 /01/2023 15:00

Ngay ngày đầu năm mới- Tết Quý Mão 2023, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, khoảng giữa năm 2023, tình hình kinh tế sẽ cải thiện, nhu cầu của các thị trường sẽ phục hồi. Do vậy, các DN cần phải đảm bảo lực lượng lao động cho giai đoạn phục hồi sản xuất này.

Khó khăn tạm qua đi

Năm 2022 kết thúc với nhiều khó khăn hậu Covid-19, làm ảnh hưởng đến các DN trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. Để tự “cứu mình”, các DN phải nỗ lực khắc phục, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Do vậy, việc tìm giải pháp duy trì sản xuất, có việc làm để giữ chân NLĐ khi bước vào năm mới là vấn đề cấp thiết nhất của năm 2023.

Nhiều DN nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2022, trên địa bàn cả nước có khoảng 530 DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và cắt giảm việc làm. Theo đó, có hơn 600.000 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có hơn 50.000 người bị mất việc làm, còn lại phải tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, giảm tăng ca.

Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 37.000 NLĐ tạm hoãn hợp đồng và trên 250.000 NLĐ giảm giờ làm. Các ngành, các cấp ở Bình Dương đã rất nỗ lực hỗ trợ những NLĐ gặp khó khăn. Một số DN tuy bị giảm đơn hàng, nhưng vẫn nỗ lực giữ chân NLĐ thông qua việc hỗ trợ lương, phụ cấp cho NLĐ trong khi chờ việc. Ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, chính những khó khăn cũng là cơ hội để DN có bước chuyển mình, chuẩn bị cho sự phát triển lâu dài như: Tăng cường xúc tiến thương mại để tìm thị trường mới, tái cơ cấu lại sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động…

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, chưa năm nào ngành dệt may gặp nhiều khó khăn như năm 2022. Nếu sau dịch- ngay khi mở cửa vào tháng 11/2021 là giai đoạn bùng nổ của ngành dệt may, đơn hàng rất nhiều, đặc biệt là ngành sợi phát triển ổn định, thì tới giữa năm 2022, ngành sợi, nhất là sợi cotton bắt đầu chững lại. Theo đó, các DN bắt đầu giảm thời lượng sản xuất, tiến tới sợi cotton không bán được, hàng tồn trong kho rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn vị, DN chọn cho mình những giải pháp riêng, phù hợp để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh.

Tình trạng cắt giảm giờ làm, cho nghỉ việc chủ yếu rơi vào các ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt may, da giày, chế biến gỗ- tập trung ở nhóm lao động phổ thông và chiếm phần lớn ở các KCN tại các tỉnh, thành phía Nam. Trong tổng số hơn nửa triệu NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, 90% rơi vào tình trạng giảm giờ làm, giảm việc hoặc tạm thời dừng việc nhưng vẫn được hưởng lương; 1,36% ngừng việc nhưng không có lương, 9% đã bị chấm dứt HĐLĐ.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong năm 2022, có 36% NLĐ làm việc trong các KCN, 64% NLĐ thuộc các nhóm bên ngoài. Đáng chú ý, có 8% NLĐ nữ trên 35 tuổi, 5% NLĐ nữ đang trong thời gian thai sản hoặc nuôi con nhỏ. Bên cạnh đó, có tới 70% DN bị giảm đơn hàng khiến NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, tập trung ở khu vực phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang…

Sẵn sàng cho cơ hội mới

Tại Đồng Nai, khép lại năm cũ, các DN trong KCN đã bắt đầu triển khai kế hoạch năm 2023 từ cuối năm 2022. Dù có nhiều khó khăn, nhưng mỗi DN đều linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn này. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, nhiều đơn vị, DN đã tìm hướng mới để đảm bảo việc làm cho NLĐ. Tuy sản xuất bị ảnh hưởng, nhưng nhiều DN vẫn cho NLĐ làm hàng dự trữ để chờ cơ hội phục hồi.

Nhiều DN chú trọng tham gia BHXH để giữ chân NLĐ

Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, hiện nay, các đơn vị, DN đã và đang tập trung các giải pháp giữ chân NLĐ để duy trì sản xuất, mục tiêu cuối cùng là NLĐ vẫn có việc làm. Ngoài ra, các DN cũng tìm kiếm thêm những đơn hàng nhỏ và liên kết cùng sản xuất, bù đắp thu nhập cho NLĐ. Mặt bằng chung thưởng Tết Quý Mão 2023 của các DN thuộc Hội Dệt may thêu đan TP.HCM là 1,5 tháng thu nhập, trong đó nhiều DN thực hiện chi trước Tết 1 tháng và sau Tết nửa tháng.

Trước tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Bình Dương đang chủ động, tích cực triển khai các giải pháp giúp DN mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, chăm lo ổn định đời sống và tinh thần NLĐ. Theo đó, Sở KH-ĐT, Sở Công Thương và BQL các KCN Bình Dương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các DN có thêm đơn hàng, tạo việc làm cho NLĐ.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, năm 2022, các DN, đặc biệt là DN trong lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ, da giày, điện tử, tình hình xuất khẩu gặp khó khăn. “Bên cạnh việc tận dụng các thị trường truyền thống với 15 hiệp định thương mại tự do, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình tiếp tục triển khai trong năm 2023, đó là mở rộng xúc tiến thương mại tại một số thị trường mới với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bao gồm thị trường Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc, với quy mô dân số trên 3 tỷ người tại các thị trường này, kỳ vọng sẽ giúp DN tiếp cận đẩy mạnh sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN”- ông Toàn cho biết.

Với quan điểm đồng hành cùng DN, xem sự phát triển của DN chính là sự phát triển của tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp với các DN, hiệp hội ngành hàng để cùng lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại buổi gặp gỡ, đại diện các hiệp hội ngành hàng và DN mong muốn sớm triển khai những chính sách miễn giảm, giãn thuế, giảm đóng BHXH trong thời gian NLĐ nghỉ Tết dài; hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để thưởng Tết cho NLĐ, giãn công tác thanh kiểm tra nhằm giảm bớt áp lực cho DN; tạo điều kiện cho DN khắc phục thay vì xử phạt…

Theo Sở KH-ĐT, năm 2022, Bình Dương dự kiến thu hút đầu tư FDI khoảng 1,8 tỷ USD. Trong đó, riêng các KCN trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 1,2-1,3 tỷ USD vốn FDI, từ 1.100-1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Kết quả, đến hết năm 2022, tỉnh đã thu hút được 3,14 tỷ USD (tăng 48,8% so với cùng kỳ), riêng các KCN của tỉnh đã thu hút hơn 2 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 4.080 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn gần 40 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Dành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ vẫn tập trung theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, phát huy lợi thế như môi trường đầu tư ổn định, vị trí thuận lợi, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc cải thiện môi trường kinh doanh, nguồn lực lao động, hạ tầng cơ sở...

Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của nhà đầu tư; kiên quyết từ chối những dự án không chất lượng, không hiệu quả, không phù hợp với định hướng của tỉnh. Hiện nay, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Điều này cho thấy, Bình Dương cần có thêm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm thu hút các DN FDI đến từ khu vực phát triển hơn. Nhận thức rõ được điều này, tỉnh liên tục tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư từ các nước phát triển như: Mỹ, EU, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Úc…

Đáng chú ý, thời gian gần đây, Bình Dương đang dịch chuyển dần sang thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư Châu Âu, trong đó có Đan Mạch, Hà Lan, Pháp… đang chọn Bình Dương làm “cứ điểm” sản xuất. Năm 2022, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương, Đan Mạch dẫn đầu với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư vào tỉnh.

Theo ông Phạm Trọng Nhân- Giám đốc Sở KH-ĐT, Bình Dương xác định mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu thu hút 1,8 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư FDI ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh kiên trì quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng và hiệu quả. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như: Nhật Bản, Singapore, Châu Âu... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư đến từ Châu Âu gần đây, thể hiện môi trường đầu tư chất lượng cao và ngày càng hấp dẫn của tỉnh.

Ông Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, thời gian tới, Bình Dương vẫn không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển DN trên địa bàn tỉnh thông qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội. Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư và DN hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. “Tỉnh mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chọn Bình Dương là điểm đến đầu tư, gắn bó lâu dài”- ông Minh nhấn mạnh.

Lê Văn