Print

Hải Dương: Phối hợp tốt trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Thứ Hai, 23 /01/2023 10:28

Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH trong việc tham mưu, đề xuất chính quyền trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, ông Bùi Quốc Trình- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về vấn đề này.

* PV: Tại buổi khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đánh giá cao sự phối hợp của Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh Hải Dương trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là mở rộng diện bao phủ BHXH. Ông có thể nói rõ hơn về sự phối hợp này?

- Ông Bùi Quốc Trình:

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2021-2025) xác định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đến năm 2025 là 55%, năm 2030 là 65%. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan đã tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện chính sách BHXH, trong đó có nội dung phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Ông Bùi Quốc Trình

Hiện nay, trên địa bàn Hải Dương đã có khoảng 425.000 người tham gia BHXH (chiếm 45,7% lực lượng lao động), trong đó tham gia BHXH tự nguyện mới có 45.652 người (4,9% lực lượng lao động). Bằng cách bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, thì việc “giữ chân” người tham gia BHXH đã được thực hiện rất tốt. Minh chứng là, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ NLĐ thất nghiệp gia tăng, thì chính sách BH thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế-xã hội.

Nhìn vào số người tham gia BHXH tự nguyện như đã nói ở trên, chúng ta thấy rằng, NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH vẫn còn rất ít so với tiềm năng. Vì vậy, việc mở rộng diện bao phủ BHXH cho NLĐ khu vực phi chính thức đang là câu hỏi cần sớm giải đáp, để NLĐ khu vực này sớm được tiếp cận và bảo đảm an sinh xã hội.

Để triển khai chính sách BHXH tự nguyện đạt kết quả cao, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH theo chỉ tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW, tăng tỷ lệ bao phủ người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung cả nước, ngày 24/12/2020, HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND quyết định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hỗ trợ thêm 10% đối với hộ nghèo và cận nghèo trong thời gian từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025.

Cùng với đó, trong thời gian tới, chúng tôi cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP, Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP, đảm bảo đưa các Nghị quyết trên thực sự đi vào cuộc sống; tích cực CCHC, tạo điều kiện thuận cho chủ SDLĐ, NLĐ và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là NLĐ thuộc khu vực phi chính thức, các chủ DN tư nhân và người dân tham gia BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, mở rộng chế độ hưởng, nâng cao chất lượng phục vụ đối với người hưởng chính sách BHXH, BH thất nghiệp.

* Theo ông, tỉnh cần triển khai tiếp những giải pháp gì để đảm bảo mọi NLĐ đều được thụ hưởng chính sách BHXH, BH thất nghiệp?

- Đến hết năm 2022, tỉnh Hải Dương đã giải quyết cho hơn 25.633 người hưởng chế độ BHXH. Có thể nói, đó là hiệu quả của công tác phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo tôi, trong thời gian tới, các ngành cần đảm bảo giải quyết quyền lợi cho NLĐ kịp thời hơn, để họ được thụ hưởng chính sách, từ đó đảm bảo phát huy vai trò trụ cột của chính sách BHXH trong hệ thống an sinh xã hội...

Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy nhanh phát triển người tham gia BHXH, BHYT, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân. Kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, cần có chế tài để hạn chế nợ đọng BHXH, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của NLĐ.

Chúng tôi cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động, thực hiện các cuộc đối thoại về chính sách BHXH, BHYT với người dân. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và BHXH để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những vi phạm; đôn đốc, xử lý đối với các đơn vị nợ đọng nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia; xử lý kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị, ngăn chặn các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

* Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần đề cập tới vấn đề “văn hoá BHXH” cho mọi người dân, NLĐ. Từ thực tế địa phương, theo ông, chúng ta cần làm gì để hình thành “văn hoá BHXH”?

- Nếu nhìn nhận BHXH dưới góc độ giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, thì BHXH chính là sự phát triển kế tiếp các hoạt động “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thành sự gắn kết giữa nghĩa vụ và quyền lợi theo pháp luật. Cùng với BHXH, các hoạt động hỗ trợ và cứu trợ xã hội khác đã tạo nên mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn, bao trùm và chăm lo tới mọi thành viên trong xã hội.

Còn ở đây, “văn hóa BHXH” là tự người dân, NLĐ ý thức được việc tham gia BHXH là đảm bảo an sinh cho mình khi về già. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn có NLĐ chưa ý thức được việc yêu cầu chủ SDLĐ đóng BHXH cho mình- dù pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của các bên. Số NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chưa tương xứng so với tiềm năng của tỉnh. Cho nên, chúng ta cần phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để hình thành “văn hóa BHXH”- hay nói cách khác là mở rộng diện bao phủ BHXH.

Để đạt được mục tiêu BHXH cho mọi người dân, đòi hỏi chúng ta phải triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ khâu thiết kế chính sách đến khâu tổ chức thực hiện và công tác truyền thông phải được triển khai một cách bài bản và toàn diện hơn nữa. Trước hết, cần giáo dục nhận thức về BHXH ngay từ các trường phổ thông, cao đẳng và đại học để từ nhận thức đến việc tham gia BHXH trở thành một thói quen, một nếp sống của mọi công dân. Khi mỗi người dân đều tuân thủ pháp luật, tự giác thực hiện và cùng nhắc nhở nhau thực hiện thường xuyên, đầy đủ sẽ trở thành “văn hóa BHXH”, chuẩn mực sống cho mọi công dân ở nước ta.

Tiếp đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành thay đổi chính sách BHXH nhằm bổ sung một số chế độ ngắn hạn đối với BHXH tự nguyện, ví dụ như chế độ ốm đau, thai sản. Vì những chế độ này tác động trực tiếp đến lợi ích trước mắt của người tham gia, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện, chủ yếu là người thuộc nhóm đối tượng khó khăn, có thu nhập thấp. Đồng thời, nghiên cứu việc kết hợp giữa BHXH với BHYT để tạo thành một chế độ bảo hiểm toàn diện, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ trong ngắn hạn và đảm bảo cuộc sống cho họ sau khi về hưu.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyệt Hà (Thực hiện)