Print

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023?

Thứ Tư, 25 /01/2023 15:11

Năm 2023 được dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục sụt giảm. Với riêng Việt Nam, sau một năm thành công vượt bậc với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, vậy đâu là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng 8,02% của Việt Nam được đánh giá là cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (2,7%- IMF), của các nước Châu Á (4,4%- IMF) và so với nhiều nước khác: Thái Lan 3,4% (WB), Malaysia 6,5% (Ngân hàng Trung ương Malaysia), Trung Quốc 3,2% (IMF), Indonesia 5,4% (ADB), Philippines 6,5% (ADB)...

Điều đáng nói, trong bức tranh tăng trưởng chung, khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 3,15%, thấp hơn khá nhiều mục tiêu lạm phát 4% trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát cũng là thành quả của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp.

Thành quả tăng trưởng đạt được đã cải thiện nhất định đến thu nhập của dân cư. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021, xấp xỉ tăng 4 lần so với năm 2010 (đạt 1,387 triệu đồng). Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2021 là 85,5%. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ khó khăn hơn năm 2022. Theo báo cáo cập nhật vào tháng 12/2022, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng từ 2,9% xuống còn 2,7% so với thời điểm tháng 7/2022. Fitch Ratings điều chỉnh so với dự báo trong tháng 9/2022, từ mức 1,7% xuống còn 1,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 xuống mức 2,2% thay vì 2,8% như trong dự báo hồi tháng 6.

Đối với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển ở mức khá, mặc dù đã có dự báo giảm so với trước đó: IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt 6,2%, WB dự báo đạt 6,7%, ADB dự báo đạt 6,3%. “Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%. Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam”- ông Lê Trung Hiếu- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.

Đại diện Tổng cục Thống kê nhận định, trước những diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới và dựa trên những thành tựu đã đạt được trong năm 2022, Việt Nam hiện vẫn đang có nhiều động lực để tiếp tục tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng tích cực trong năm 2023.

Cụ thể, theo góc độ sản xuất, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ngành nông- lâm nghiệp và thủy sản luôn thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Đồng thời, ngành này cũng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Do vậy, kết quả tăng trưởng sẽ ổn định khoảng 3% như những năm gần đây.

Về ngành công nghiệp, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhất là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ) dự báo sẽ suy giảm, do cầu tiêu dùng thế giới giảm, đặc biệt trong quý I và có thể sang quý II/2023. Vì vậy, chuyển hướng sang khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng sẽ là giải pháp khả thi để bù đắp sự sụt giảm từ thị trường xuất khẩu.

Ngành xây dựng sẽ có nhiều tín hiệu khả quan, khi trong năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Khu vực dịch vụ trong năm 2023 tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao...

Ông Hiếu cũng chỉ rõ, năm 2023 là "điểm rơi" của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Khi thực hiện, đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo tăng khá, với việc một số dự án lớn đang hoàn thành thủ tục đầu tư; chính sách dịch chuyển dòng vốn FDI của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và điểm đến có thể là Việt Nam...

Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường FTA thế hệ mới như RCEP. Đặc biệt, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nới lỏng chính sách Zero Covid, khi đó Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân sau thời gian dài cách ly. Cùng với đó, lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đến Việt Nam, kéo theo xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh...

Ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cũng nhận định, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại- công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...

Thái An