Print

Hóa giải thách thức tài chính trong điều trị đột quỵ

Thứ Sáu, 27 /01/2023 07:45

PGS-BS.Nguyễn Huy Thắng- Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, trong một sự kiện gần đây tại BV S.I.S Cần Thơ, đã chia sẻ về những thách thức trong điều trị đột quỵ. Ngoài những vấn đề y tế, một thách thức phi y tế khiến các bác sĩ và BV điều trị đột quỵ phải bó tay: Thách thức về tài chính.

Theo PGS.Thắng, khung thời gian cấp cứu, điều trị đột quỵ tối ưu nhất chỉ 3,5 giờ kể từ khi xảy ra, thường được gọi là “thời gian vàng”. Ở Việt Nam, khung thời gian này được kéo giãn đến 6 giờ. Tuy nhiên, sau 3,5 giờ đầu, càng kéo giãn thời gian thì cơ hội điều trị dứt điểm đột quỵ mà không để lại di chứng nào càng thấp đi.

PGS.Nguyễn Huy Thắng (phải) và BS.Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BV S.I.S Cần Thơ

Cũng ở Việt Nam, có 2 thách thức phi y tế mà các bác sĩ điều trị đột quỵ phải... đau đầu. Trước hết, đó là việc vận chuyển bệnh nhân đột quỵ đến BV. Trước đây, khu vực ĐBSCL là vùng trũng về điều trị đột quỵ, nên bệnh nhân buộc phải lên TP.HCM cấp cứu khi đột quỵ ập đến. Song, quãng đường dài cộng với kẹt xe khiến thời gian vận chuyển vượt quá 3,5 giờ. Vì vậy, rất ít bệnh nhân được điều trị dứt điểm và không chịu ảnh hưởng của di chứng.

Thách thức này tới nay đã được hóa giải, với sự phát triển của hệ thống y tế ở Cần Thơ- nơi được xem là thủ phủ ĐBSCL, đặc biệt với sự hiện diện của BV S.I.S Cần Thơ- địa chỉ đỏ chuyên xử trí cấp cứu, điều trị đột quỵ. Tại TP.HCM, hiện nay bản đồ cơ sở y tế tham gia điều trị đột quỵ cũng rộng mở hơn. Một số BV tuyến quận, huyện cũng đã xử trí cấp cứu đột quỵ hữu hiệu.

Thứ hai, đó là thách thức tài chính- một thách thức phi y tế khiến các bác sĩ và BV điều trị đột quỵ phải... bó tay. Theo PGS.Thắng, hiện nay ngày càng nhiều bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến BV trong khung giờ tối ưu. Tuy nhiên, sau mọi nỗ lực chạy đua với thời gian của BV (cận lâm sàng, hội chẩn, thống nhất hướng điều trị...), tới phút 89 là gia đình bệnh nhân quyết định thì lại dây dưa, kéo dài.

Lý do của việc này không gì khác ngoài tài chính gia đình. Một ca cấp cứu, điều trị đột quỵ (tái thông mạch máu) hiện trên dưới 70 triệu đồng và gia đình phải chi trả toàn bộ nếu bệnh nhân chưa tham gia BHYT. Vì vậy, thân nhân phải điện thoại tới lui bàn tính, trong trường hợp nhà không đủ tiền. Sau khi các phương án mượn, vay, bán tài sản... được “chốt hạ” thì thân nhân mới quyết định tham gia điều trị.

Can thiệp tái thông mạch máu bằng robot tại BV S.I.S Cần Thơ

“Đó là khoảng thời gian bị mất mà bác sĩ chúng tôi tiếc đứt ruột đứt gan, nhưng đâu thể làm gì khác, vì gia đình phải đồng ý thì các bác sĩ mới thực hiện tái thông được. Tài chính của bệnh nhân và gia đình quả là một thách thức rất lớn đối với hoạt động cấp cứu, điều trị đột quỵ hữu hiệu...”- PGS.Thắng, người đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, thành viên Hội Đột quỵ thế giới chia sẻ thêm.

Nối tiếp những chia sẻ của PGS.Thắng, TS-BS.Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BV S.I.S Cần Thơ cũng khẳng định, thách thức phi y tế lớn nhất hiện nay trong cấp cứu, điều trị đột quỵ là vấn đề tài chính của bệnh nhân. BS.Cường còn làm rõ vấn đề thực tế rằng, với bệnh nhân có tham gia BHYT thì cơ hội tiếp cận điều trị đột quỵ lớn hơn rất nhiều lần, bởi quỹ BHYT sẽ chi trả phần lớn viện phí. “Đó là lý do mà hồi trước Tết, BV S.I.S tham gia cùng ngành BHXH Việt Nam tặng thẻ BHYT cho bà con khó khăn ở Cần Thơ”- BS.Cường chia sẻ thêm.

Là người lăn lộn trong lĩnh vực điều trị đột quỵ trước khi sáng lập BV S.I.S Cần Thơ, BS.Cường cũng như PGS.Thắng đã chứng kiến hằng trăm trường hợp đắng lòng khi bệnh nhân may mắn tới BV trong “khung giờ vàng”, mà lại bất hạnh vì không đủ tiền tham gia điều trị. Bởi vậy, ngay khi BV S.I.S Cần Thơ đi vào hoạt động, BS.Cường cũng sáng lập Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo đột quỵ khu vực ĐBSCL do BV S.I.S điều phối, vận hành.

Bệnh nhi bị đột quỵ do dị tật mạch máu bẩm sinh được điều trị tại BV S.I.S Cần Thơ

“Ngoài tấm lòng của những nhà hảo tâm, hằng năm, BV S.I.S Cần Thơ đều đóng góp vào quỹ này, để cùng nhau làm nên giải pháp hóa giải thách thức tài chính trong điều trị đột quỵ tại S.I.S”- BS.Cường cho biết. Trên thực tế, kể từ khi hoạt động tới nay, không bệnh nhân nào tới S.I.S cấp cứu, điều trị đột quỵ phải ngậm ngùi ra về vì túng tiền. Tới "phút 89", khi người nhà quyết định tham gia điều trị mà còn lấn cấn chuyện viện phí thì phía S.I.S tư vấn ngay “chuyên môn cứu chữa trước, tiền bạc tính sau”. Nhờ vậy, bệnh nhân đột quỵ tới S.I.S luôn sử dụng hiệu quả ưu thế “thời gian vàng” của mình.

“Đối với BV S.I.S không chờ có tiền mới cấp cứu. Khi bệnh nhân có chỉ định can thiệp cấp cứu thì bác sĩ sẽ giải thích kỹ về nguy cơ tử vong tàn phế… cũng như chi phí điều trị. Người nhà chỉ cần quyết định đồng ý can thiệp, bác sĩ sẽ làm ngay chứ không chờ đóng tiền đủ. Chỉ tạm ứng theo khả năng, các ngày sau sẽ đóng tiếp. Còn nếu bệnh nhân là diện hộ nghèo không có tiền thì sau đó bổ sung hồ sơ cho Quỹ từ thiện để được xét duyệt miễn, giảm….”- BS.Cường giải thích thêm.

Được biết, từ khi thành lập hồi năm 2020 đến nay, Quỹ từ thiện đã hỗ trợ 88 trường hợp với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực ĐBSCL đã hỗ trợ 29 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng.

Thanh Giang